Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi:

Siết chặt nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu và quyết liệt ngăn chặn nhập lậu

Thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ nuôi lợn, gà, trâu bò rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Để tìm giải pháp phát triển ngành chăn nuôi năm 2024, Bộ NN-PTNT đề ra ba giải pháp: Siết chặt nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu và quyết liệt ngăn chặn nhập lậu.
phat-trien-nganh-chan-nuoi-01-1704958794.jpg
Nếu không thể kiểm soát được nhập khẩu và xúc tiến xuất khẩu, ngành chăn nuôi trong những năm tới sẽ không thể phát triển như mục tiêu đặt ra.

Nhận diện những rào cản của ngành chăn nuôi

Chiều 10/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp liên ngành xoay quanh 3 nội dung quan trọng gồm ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm; siết chặt nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu để ngành chăn nuôi đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều trang trại, hộ chăn nuôi chân chính gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất vì sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cả, liên quan đến việc mất kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước.

Đây cũng chính là nguy cơ và áp lực lớn đối với ngành chăn nuôi và người tiêu dùng từ vấn nạn buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới. Do đó cần có chính sách đặc thù để tăng tính tự vệ trong ngành chăn nuôi.

phat-trien-nganh-chan-nuoi-02-1704958780.jpg
Năm 2023 vừa qua, ngành chăn nuôi đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Ông Đào Văn Thanh, Phó Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, với thực trạng về tình hình nhập lậu gia cầm, trứng gia cầm qua biên giới vào Việt Nam, Bộ đã tham mưu Thủ tướng 2 công điện và ra 18 văn bản chỉ đạo địa phương, ban ngành liên quan để có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng này.

Gần đây nhất, ngày 6/12/2023, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 29 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Ở góc độ của Bộ NN-PTNT, để triển khai Chỉ thị 29, Thanh tra Bộ đề xuất Bộ theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa và nhập khẩu; phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật qua biên giới; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai phòng chống dịch. Thanh tra Bộ đề nghị Bộ ban hành kế hoạch để thực hiện Chỉ thị 29.

Về vấn đề nhập lậu, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, ngoài thu thập số liệu, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để xử lý, truy tố một số vụ việc nhằm tăng tính răn đe. Trong Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng và trong các văn bản của Bộ NN-PTNT gửi các địa phương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ đội Biên phòng cũng nêu rõ các biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện về phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới cần được triển khai quyết liệt ngay ở cấp cơ sở.

phat-trien-nganh-chan-nuoi-03-1704958899.jpg
Thịt gà thải được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam gây ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi. (Ảnh minh họa)

Về kế hoạch thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, ông Long khẳng định, tới thời điểm này đã có đủ Chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, Cục đã tham mưu Bộ đầy đủ các văn bản của Bộ, ký thỏa thuận với Tổ chức Thú y Thế giới xây dựng vùng An toàn dịch bệnh (ATDB), ký các nghị định thư về tổ yến, lở mồm long móng…

Đến nay, cả nước đã có 4.000 cơ sở, vùng ATDB tại 50 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, để xây dựng vùng ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới, Cục đã tham mưu để Bộ trình Chính phủ ban hành các quy định, từ đó xây dựng các vùng ATDB đạt tiêu chuẩn ATDB Việt Nam và tiêu chuẩn ATDB phục vụ xuất khẩu theo lộ trình đến năm 2030.

Liên quan đến đàm phán nhằm thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, trong những năm qua, Cục đã trao đổi nắm bắt rõ yêu cầu của các nước, tổ chức quốc tế và biên tập thành tài liệu gửi các địa phương, doanh nghiệp. Trong đàm phán với các nước, Việt Nam đồng ý dỡ bỏ một loạt hàng rào kỹ thuật hoặc chấp thuận các sản phẩm nhập khẩu từ các nước Mông Cổ, Hàn Quốc, Anh, Hong Kong (Trung Quốc)..., ở chiều ngược lại, các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có sản phẩm gia súc, gia cầm được xuất khẩu sang các thị trường này.

Về kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, ông Long báo cáo việc tổ chức đánh giá nguy cơ rất chặt chẽ từ cấp quốc gia đến cấp doanh nghiệp. Bên cạnh việc đánh giá về an toàn thực phẩm, cần căn cứ về vấn đề dịch bệnh thường xuyên biến đổi yêu cầu đánh giá, phân tích nguy cơ, dẫn đến thời gian đánh giá kéo dài. Hiện nay, 160 doanh nghiệp của 24 quốc gia nằm trong danh sách cho phép nhập khẩu và 50 quốc gia khác với hàng ngàn hồ sơ đang treo đều được áp dụng tất cả các biện pháp kỹ thuật theo luật pháp.

Siết chặt nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu và quyết liệt ngăn chặn nhập lậu

Về giải pháp cho 3 nhóm vấn đề xuyên suốt cuộc họp, Cục Thú y đề nghị doanh nghiệp, các hiệp hội đồng hành, chung sức cùng Cục Thú y vận động người chăn nuôi tham gia các hội nghị, hội thảo về xây dựng vùng ATDB. Đây là bước tiến tiên quyết để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Đề nghị các hiệp hội làm việc với doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cần có kế hoạch để thúc đẩy xuất khẩu. Các hiệp hội, doanh nghiệp, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Vụ Hợp tác quốc tế đồng hành trong đàm phán.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng ai làm trong ngành chăn nuôi cũng cần nhận thức tới nguy cơ lớn về yếu tố dịch bệnh, an toàn thực phẩm… đối với nhập khẩu gia súc, gia cầm nhập khẩu không kiểm soát. Bởi vậy, theo ông Dương, nếu không thể kiểm soát được nhập khẩu và xúc tiến xuất khẩu, ngành chăn nuôi trong những năm tới sẽ không thể phát triển như mục tiêu đặt ra.

phat-trien-nganh-chan-nuoi-04-1704958941.jpg
Các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cần tính toán đến vấn đề xuất khẩu và bảo vệ sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự đoán tình hình buôn lậu gia súc, gia cầm sẽ diễn biến rất phức tạp trong thời gian tới. Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi có đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn chậm, mặc dù năm nay đạt 515 triệu USD, tăng 26%.

Nhu cầu trứng, thịt, sữa trên đầu người còn thấp nhưng ngành chăn nuôi không chỉ phục vụ cho 100 triệu dân. Các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cần tính toán đến vấn đề xuất khẩu và bảo vệ sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Chăn nuôi tập trung triển khai 5 đề án rường cột gồm Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 gồm phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi. Đảm bảo các đề án được tổ chức thực hiện đúng tiến độ giúp tăng cường năng lực sản xuất của ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị Cục Thú y rà soát lại các Hiệp định biên giới, phối hợp cùng Vụ Hợp tác quốc tế và các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Halal nhằm tính toán các giải pháp đồng bộ cho xuất khẩu./.

Bình Châu