Tuy nhiên, một số nhà bảo vệ môi trường lo ngại LEAF có thể loại trừ chính đối tượng mục tiêu mà mình hỗ trợ: cộng đồng bản địa - những người vốn gác rừng thầm lặng xưa nay. Sau một thập kỷ thất bại, các kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc hậu thuẫn thông qua lưu trữ carbon rừng trên toàn thế giới đang được rục rịch khởi động lại.
Trong đó, nguồn tài trợ dồi dào sẽ sớm được công bố tại COP26, dự kiến cung cấp hàng tỷ đô la tài chính tư nhân cho các dự án bảo tồn tại các khu rừng nhiệt đới. Đổi lại, chính phủ và các khách hàng doanh nghiệp có thể sử dụng lượng carbon bù đắp cho các dự án phát thải để đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, những dự án bù đắp quy mô đang dấy lên quan ngại về tổn thất có thể xảy ra đối với các cộng đồng rừng.
LEAF đang là dự án tham vọng nhất. Với sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ, Anh và nguồn tài chính từ hai ông lớn Amazon, Unilever, LEAF hướng tới mục tiêu biến mỗi quốc gia thành một bể chứa carbon. Dự án thu hút sự quan tâm của nhiều người ủng hộ các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên. Tuy nhiên, chính ưu điểm này lại khiến các nhà môi trường học lo ngại. Một số e rằng LEAF sẽ tạo tiền lệ cho những công ty gây ô nhiễm trì hoãn việc cắt giảm khí thải bằng cách mua bù carbon. Thậm chí, tổ chức Friends of the Earth International lên án toàn bộ ý tưởng về các giải pháp dựa vào tự nhiên là “một sự dối trá nguy hiểm” vì cho phép các doanh nghiệp lớn như tập đoàn dầu khí Shell và công ty thực phẩm Nestle tiếp tục nhân rộng các hoạt động phá hủy thiên nhiên, khí hậu.
Một số nhà hoạt động vì quyền đất đai cũng bày tỏ LEAF có thể tạo ra một “cơ chế thu hồi carbon” toàn cầu, trong đó chính phủ và các tập đoàn nắm giữ quyền carbon từ người bản địa và cộng đồng địa phương, gián tiếp loại trừ họ khỏi việc bán tín chỉ carbon vốn là nguồn cung quan trọng cho công tác bảo tồn rừng ở cộng đồng. “Điểm mấu chốt là LEAF khuyến khích các chính phủ khẳng định quyền sở hữu đối với quyền carbon và nắm bắt các lợi ích thương mại”, Andy White, cố vấn cao cấp cao tại Sáng kiến quyền và tài nguyên (RRI) chia sẻ.
Tiềm năng hấp thụ carbon rất lớn. Đánh giá mới đây của RRI và Đại học McGill chỉ ra rằng hầu hết các vùng đất và lãnh thổ được sử dụng để bù đắp carbon “trùng với khu vực do người bản địa, cộng đồng địa phương và người gốc Phi sở hữu”. Ước tính những khu rừng này chứa khoảng 300 tỷ tấn carbon nhưng các cộng đồng chỉ có quyền sở hữu hợp pháp với 10% rừng và quyền carbon thậm chí còn ít hơn.
Ở Peru, cộng đồng người Kichwa hiểu rõ mặt trái của việc bán carbon. Họ nói rằng những xung đột lâu dài của họ với chính phủ Peru về quyền đối với rừng cho thấy những rủi ro mà các bên khác có thể sẽ sớm phải đối mặt. Trong hơn một thập kỷ, chính phủ Peru bán tín dụng carbon từ việc bảo tồn rừng ở vườn quốc gia Cordillera Azul - nơi người Kichwa tuyên bố là vùng đất tổ - cho các doanh nghiệp bao gồm Ben & Jerry’s, Shell và British Airways mà không hề có sự thảo luận hay bồi thường cho người Kichwa. Tháng 7/2021, chính phủ bán tiếp 87 triệu đô la tín dụng carbon từ Cordillera Azul cho một công ty khai thác vô danh và coi đây là vụ mua bán carbon lịch sử của Peru. Gần đây, người Kichwa đã ra tòa để phản đối chính phủ từ chối công nhận quyền đối với rừng và quyền carbon của họ trong vườn quốc gia.
COP26 được xem là sự kiện lớn nhất kể từ khi Thỏa thuận chung Paris thành công vào năm 2015 với cam kết các quốc gia đặt mục tiêu phát thải bằng 0 vào giữa thế kỷ. Hầu hết các quốc gia tham dự sẽ công bố kế hoạch tăng cường cam kết carbon, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời sử dụng các dự án bảo tồn để lưu trữ nhiều carbon hơn, còn được gọi là bù đắp carbon. Riêng các quốc gia đang phát triển thì rất cần tài chính để hiện thực hóa mục tiêu này.
Nhiều nước đang tìm kiếm những khoản đầu tư lớn từ các tập đoàn lớn. Vì vậy, cuộc họp ở Glasgow được kỳ vọng sẽ là cơ hội cho phép các quốc gia tham gia vào các dự án bù đắp “tự nguyện” do tư nhân tài trợ - thứ mà đến nay vẫn thường được các tập đoàn sử dụng để giảm lượng phát thải carbon và nhuộm xanh hồ sơ. Trong tương lai, các chính phủ có thể yêu cầu lượng carbon bù đắp từ các chương trình này trong phạm vi lãnh thổ để giảm lượng khí thải mà họ tuyên bố với Liên hợp quốc.
LEAF dự định trở thành cầu nối quan trọng trong việc cung cấp tài chính và thiết lập các quy tắc cho việc đền bù carbon quy mô quốc gia. LEAF được điều hành bởi Emergent, tổ chức do Quỹ Bảo vệ Môi trường và các bên thành lập và được ra mắt vào Ngày Trái đất (22/4/2021) tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trực tuyến. Dự án nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Anh, Mỹ và Na Uy cũng như các tập đoàn lớn như Amazon, Bayer, GlaxoSmithKline, Nestle, Airbnb, McKinsey, Delta Airlines và Unilever.
Hiện LEAF nhận được 30 đề xuất cho các dự án lưu trữ carbon trên diện tích nửa tỷ ha rừng, tương đương hơn một nửa diện tích nước Mỹ và đã hoàn thành đánh giá kỹ thuật các dự án tương lai ở Brazil, Burkina Faso, Costa Rica, Ecuador, Guyana, Kenya, Mexico, Papua New Guinea, Nepal, Nigeria, Uganda, Việt Nam và Zambia. Việc bù đắp carbon do LEAF chấp thuận sẽ hoạt động theo quy tắc TREES (The REDD+ Environmental Excellence Standard) do một nhóm chuyên gia độc lập đưa ra và được chủ trì bởi Frances Seymour thuộc Viện Tài nguyên Thế giới. Seymour khẳng định các quy tắc này có lợi cho người bản địa và cộng đồng cũng như khí hậu. Nó “đại diện cho một cơ hội để nâng cao quyền của người bản địa và các cộng đồng địa phương khác bằng cách yêu cầu chính phủ phối hợp với cộng đồng”, cô nói.
Trái với kỳ vọng vào LEAF, một số nhà hoạt động vì quyền đất đai lo ngại sáng kiến này có thể gây hiệu ứng ngược. Alain Frechette thuộc RRI cho rằng TREES không đáp ứng các tiêu chuẩn được đề cập trong Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của người bản địa. Vấn đề quan trọng khác là quy mô dự kiến của các khu vực ước tính trữ lượng carbon. Các quy tắc của TREES nêu rõ rằng để đủ điều kiện nhận tín chỉ carbon, các chính phủ và tập đoàn cần thể hiện tổng trữ lượng carbon thu được trong các khu rừng trên phạm vi cả nước hoặc tối thiểu trên 2,5 triệu ha rừng, tương đương diện tích New Hampshire.
Những người ủng hộ LEAF đánh giá quy mô lớn này giúp mở rộng tham vọng và có thể tránh hành vi lách luật xảy ra khi nạn phá rừng không giảm mà chỉ di dời đến địa điểm bên ngoài khu vực bù đắp. Tuy nhiên, Andrea Johnson thuộc Liên minh khí hậu và sử dụng đất cho rằng quy mô lớn khiến các chính phủ “trên thực tế trở thành chủ sở hữu carbon rừng”, khiến LEAF hầu như chỉ có thể tiếp cận được các bang có thể thâu tóm các khu rừng rộng lớn thành đất của bang. Các cộng đồng bản địa khó có thể thiết lập các dự án của riêng họ và dễ trở thành những “quân cờ” trong cuộc chơi do chính phủ làm chủ. “LEAF không thể thoát khỏi sự phân quyền carbon từ cao xuống thấp ở Mỹ. Chủ sở hữu tư nhân, cộng đồng và các khu vực pháp lý địa phương sẽ không bao giờ ủng hộ nó”, White thuộc RRI bày tỏ.
Cuộc tranh luận về LEAF có thể trở thành một cuộc chiến giữa một bên là những người muốn khắc phục khí hậu cùng các dự án bù đắp lớn và một bên là những người muốn bảo vệ quyền của người bản địa. Trong đó, nhiều nhà bảo vệ môi trường ngày càng đề cao vai trò của các cộng đồng bản địa và địa phương trong việc giữ rừng hiệu quả. Đây cũng là điểm cộng giúp họ lấy lại thế cân bằng tại COP26. Cùng với phần trình bày về LEAF, đại diện cộng đồng bản địa cũng sẽ có phần chia sẻ quan trọng về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các mô hình bảo vệ, phục hồi rừng.
Tuy nhiên, điều tiên quyết là phải thiết lập được các quyền của người bản địa đối với rừng và trữ lượng carbon rừng. Dưới sự hỗ trợ của RRI và các bên ủng hộ, họ có kế hoạch đặt ra các cơ chế tài trợ thay thế, ưu tiên hoàn thiện quyền carbon và kế hoạch bảo tồn của cộng đồng rừng hơn là chính phủ và các khách hàng doanh nghiệp. Sáng kiến này cũng có thể thu hút sự quan tâm của nhiều người, như LEAF vậy./.