Chuyển đổi cây trồng né hạn mặn
Những ngày cuối tháng 2/2024, ngay giữa vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập thuộc huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), thế nhưng 10 công đất trồng dưa leo của gia đình anh Nguyễn Tiền Khanh, ở ấp Cái Xe, xã Tân Thạnh vẫn xanh tươi, cho thu hoạch trái bán mỗi ngày.
Anh Khanh chia sẻ, vùng này chỉ có thể sản xuất 2 vụ lúa, mùa khô, mặn xâm nhập, thường xuyên thiếu nước ngọt nên phần lớn bà con hạn chế sản xuất lúa Đông xuân muộn (vụ thứ 3). Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, anh và các thành viên trong gia đình đã bàn nhau và quyết định chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng màu.
Theo anh Khanh, để sản xuất được quanh năm, kể cả mùa khô, gia đình đã dành gần 3.000 mét vuông đất để đào ao, chứa nước ngọt, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây màu, đồng thời đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu tiết kiệm. Sau nhiều năm chuyển đổi, mô hình giúp gia đình có thu nhập quanh năm.
"Anh em chúng tôi trồng diện tích tầm 10.000 mét vuông, dưa leo đang phát triển tốt và đang thu hoạch. Mùa hạn mặn này thì anh em có dự trữ nước trong ao, tận dụng các mương liếp, chứa từ mùa mưa cho tới nay, chứ không có lấy nước nhiễm mặn từ bên ngoài vào. Dữ trữ nước để tưới tiêu cũng thoải mái. Ngoài ra còn ứng dụng kỹ thuật tưới đường ống tiết kiệm nên cũng hạn chế mất nước hơn" - anh Khanh cho biết.
Để khai thác hiệu quả thế mạnh sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để bên cạnh thích ứng với biến đổi khí hậu, còn hướng tới phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, mạng lại lợi nhuận kinh tế cao.
Điển hình như ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, bà con địa phương này đã xây dựng và thực hiện khá thành công mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng giữa mùa khô hạn. Hằng năm, sau khi kết thúc vụ lúa Đông Xuân, bà con nông dân tìm kiếm những mẫu ruộng ở vùng đất gò, cao để đầu tư trồng dưa hấu.
Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm đưa cây màu xuống chân ruộng, với lợi thế là cây trồng dễ tiêu thụ, cho năng suất, dưa hấu được xem là cây trồng thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp mùa khô trên đất trồng lúa. Cách chuẩn bị đất cũng đơn giản, nông dân chỉ cần chọn đất phù hợp, sau đó, cắt rạ, xới đất và tiến hành gieo trồng, một số hộ thì đào thêm rãnh dẫn nước ngọt vào phục vụ tưới tiêu, hộ khác thì sử dụng máy bơm tưới trực tiếp. Mỗi ngày chỉ cần tưới 2 lần, nên cũng không đòi hỏi nhiều nước như trồng lúa.
Chống hạn mặn bền vững cho vựa trái cây
Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) là địa phương ven biển có thế mạnh trồng cây ăn trái với quy mô khoảng 5.200ha, chủ lực là cây dừa có khả năng thích ứng tốt với điều kiện hạn mặn. Diện tích dừa chiếm trên 50% tổng diện tích cây ăn trái của huyện, còn lại là xoài và nhãn.
Đặc thù của vùng miệt biển này là mỗi ngày có 2 con nước, từ lúc nước bắt đầu lớn cho đến khi nước ròng chỉ vài giờ đồng hồ. Với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, người dân địa phương dễ dàng canh được thời điểm phù hợp để lấy nước ngọt vào tích trữ trong mương vườn.
Hơn nữa, vùng trồng cây ăn trái cách xa cửa biển từ 40 – 50km nên nước mặn không xuất hiện thường xuyên và liên tục. Vì vậy trong 2 đợt hạn mặn lịch sử xảy ra vào năm 2015 - 016 và 2019 - 2020, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện không bị thiệt hại lớn.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã ban hành kế hoạch ứng phó, phòng chống hạn mặn. Trong đó, giải pháp phi công trình được chú trọng tập trung thực hiện hiện nay là quan trắc, đo độ mặn định kỳ để kịp thời tuyên truyền đến người dân. Từ đó, bà con sẽ chủ động kiểm tra nguồn nước và tích trữ để sử dụng tưới cho vườn cây.
Đối với diện tích trồng xoài và nhãn tập trung chủ yếu tại xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, đây là những xã đầu cồn, có hệ thống đê bao và cống bọng cơ bản hoàn chỉnh nên đảm bảo việc ngăn mặn và trữ ngọt cho người dân sản xuất cây ăn trái.
Ông Đắc cho biết thêm, thời điểm này các vườn cây ăn trái đang trong giai đoạn thu hoạch hoặc sau thu hoạch. Để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, trước đó ngành nông nghiệp huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con chủ động tích trữ nước trong mương, vườn, làm túi trữ ngọt hoặc thông qua hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo đủ nguồn nước. Nhờ đó, việc chống hạn cho vườn cây ăn trái của huyện Cù Lao Dung vài năm trở lại đây không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, về lâu dài, nhất là với những dự báo diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2024 diễn biến phức tạp, công tác ứng phó sẽ gặp khó khăn nhất định. Do hệ thống đê bao của huyện hiện chưa khép kín, việc trữ nước chỉ phát huy hiệu quả ở khu vực khoảng 300ha đang trồng xoài.
Còn lại, gần 200ha đang trồng nhãn, huyện chỉ bố trí được hệ thống cống khép kín hơn 3km. Các vùng khác tuy có đầu tư đê sông, đê tả hữu, nhưng các đê đi ngang rạch vẫn còn những rạch hở, chưa khép kín do phục vụ cho công tác vận chuyển, nước mặn vẫn có khả năng xâm nhập vào nội đồng. Do đó, bà con nông dân muốn tăng năng suất, chất lượng cây ăn trái vào mùa khô hạn là rất khó, chỉ canh tác cầm cự.
Huyện Cù Lao Dung hiện có khoảng 70 - 80ha trồng khoai lang đang trong giai đoạn thu hoạch, nguy cơ bị ảnh hưởng nếu hạn mặn diễn biến bất thường. Tại những vùng trồng này, UBND huyện đã đầu tư hệ thống cống giúp điều tiết nguồn nước ngọt cho bà con. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất khoai lang trong vòng 1 tuần. Vì thế, bà con cần tận dụng các giải pháp trữ nước trong mương vườn để có nước ngọt phục vụ tưới.
Tình trạng hạn mặn vào mùa khô đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, bằng những kinh nghiệm của nong dân và sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp, cách làm hay được vận dụng để né hạn mặn. Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, áp dụng quy trình sản xuất thông minh là giải pháp được nhà nông vận dụng để xanh hóa vùng hạn mặn, gia tăng thu nhập từ đồng ruộng./.