Sắc xuân nơi vùng tái định cư thủy điện Sơn La

Một mùa Xuân mới lại về trên khắp các điểm tái định cư thủy điện Sơn La. Giờ đây, những khó khăn, vất vả thời gian đầu tái định cư đã lùi xa, đời sống của các gia đình đã từng bước ổn định, người dân yên tâm sản xuất, gắn bó và xây dựng cuộc sống trên quê mới no ấm.

Đến xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La - nơi có 5 điểm tái định cư thủy điện Sơn La, không khí mùa Xuân đang tràn ngập, bởi màu xanh của những đồi chè và sắc hồng của những cánh đào phai đang đua nhau khoe sắc, báo hiệu một cuộc sống no ấm đang hiện hữu.

Là một trong những hộ di dân tái định cư thủy điện Sơn La, ông Lò Văn Hương, bản Mường Chiên, xã Phổng Lái bộc bạch, năm 2008, gia đình ông rời quê ở bản Chẩu Quân, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đến tái định cư tại xã Phổng Lái. Được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương quan tâm, bố trí đất ở, đất sản xuất, gia đình ông đã tích cực trồng và chăm sóc cây chè, cây cà phê, để phát triển kinh tế hộ.

Cũng theo ông Lò Văn Hương, trước đây ở bản cũ, gia đình ông chủ yếu trồng ngô và lúa nước, nên thu nhập thấp. Chuyển đến nơi ở mới canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như chè, cà phê…, nên đời sống của gia đình ông đã có nhiều thay đổi, kinh tế ngày càng khấm khá; đặc biệt, ở đây giao thông đi lại thuận lợi, canh tác nông nghiệp không phải vất vả leo đồi núi như nơi ở cũ.   

vna-potal-son-la-sac-xuan-noi-vung-tai-dinh-cu-ghi-chu-anh-kem-bai-viet-hom-nay-sac-xuan-noi-vung-tai-dinh-cu-thuy-dien-son-la-o-ban-kinh-te-stand-1643777783.jpeg

Trong ảnh: Một góc bản tái định cư Mường Chiên, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

Hơn 10 năm trên quê mới, đời sống người dân tái định cư ở xã Phổng Lái đã cơ bản ổn định; mọi người đều có nhà ở và có nương rẫy để sản xuất. Các chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống người dân vùng tái định cư đã phát huy hiệu quả. Cây chè đã thực sự giúp người dân ở đây thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát đói nghèo, yên tâm gắn bó với quê mới cũng như luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương.

Ông Lò Văn Tịch, bản Mường Chiên, xã Phổng Lái chia sẻ, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, năm 2008, gia đình ông đã chuyển từ huyện Quỳnh Nhai đến nơi ở mới tại xã Phổng Lái. Thời gian đầu mới chuyển về cuộc sống có những khó khăn, bởi nơi cũ chỉ trồng ngô, sắn và lúa nước, nhưng trên quê mới lại chủ yếu trồng chè, cà phê. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong việc tập huấn, hướng dẫn, người dân tái định cư đã biết cách trồng và chăm sóc cây chè, cà phê. Hiện nay, chè và cà phê là hai loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên đời sống của người dân tái định cư đã cơ bản ổn định. “Gia đình tôi có hơn 1 ha chè, mỗi năm cho sản lượng từ 11 đến 12 tấn, tạo nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng”, ông Lò Văn Tịch cho biết.

Phổng Lái là xã nằm dọc Quốc lộ 6, ngay chân đèo Pha Đin huyền thoại, cách trung tâm huyện Thuận Châu khoảng 10 km. Để tạo điều kiện cho người dân tái định cư ổn định cuộc sống, xã đã vận dụng các cơ chế chính sách của các cấp giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, xã tuyên truyền người dân tái định cư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chè, cà phê.     

Chủ tịch UBND xã Phổng Lái Mè Văn Tiền cho biết, năm 2008, thực hiện chủ trương di dân tái định cư thủy điện Sơn La, 220 hộ dân ở huyện Quỳnh Nhai đã đến tái định cư tại xã và đến nay là 347 hộ. Ban đầu chuyển đến nơi ở mới, người dân tái định cư cũng gặp một số khó khăn, nhưng đã được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình; trong đó, chủ yếu là trồng chè và cà phê.

vna-potal-son-la-sac-xuan1-noi-vung-tai-dinh-cu-ghi-chu-anh-kem-bai-viet-hom-nay-sac-xuan-noi-vung-tai-dinh-cu-thuy-dien-son-la-o-ban-kinh-te-stand-1643777783.jpeg

Người dân tái định cư bản Mường Chiên, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, chăm sóc cây chè. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

Hiện nay, trung bình mỗi hộ dân tái định cư trên địa bàn xã có 1,5 ha trồng chè, cho sản lượng tầm 12 – 13 tấn, mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Cho nên nơi ở mới của người dân tái định cư trên địa bàn xã đã đảm bảo được cuộc sống hơn quê cũ. Tuy nhiên, trong thời gian tiếp theo, chính quyền địa phương mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư giai đoạn 2 để ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư. 

Vì dòng điện của Tổ quốc, năm 2005, Thuận Châu là một trong những huyện của tỉnh Sơn La đón và di chuyển người dân tái định cư phục vụ công trình thủy điện Sơn La. Đến nay, Thuận Châu đã đón và ổn định cuộc sống của trên 1.570 hộ dân tại 11 khu, 37 điểm tập trung và 2 bản tái định cư xen ghép. Quá trình đón các hộ dân tái định cư, huyện Thuận Châu đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giao đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ sản xuất cho người dân; các dự án thành phần tại các khu, điểm tái định cư được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, huyện luôn quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn người dân tái định cư phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, qua đó đời sống của người dân vùng tái định cư cơ bản ổn định tại nơi ở mới, chất lượng cuộc sống từng bước nâng lên. Người dân tái định cư đoàn kết với người dân sở tại, cùng nhau xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp.  

Bí thư Huyện ủy Thuận Châu Nguyễn Minh Tiến thông tin, việc ổn định đời sống người dân tái định cư thủy điện Sơn La, Thuận Châu là một trong những huyện của tỉnh Sơn La có số lượng tiếp nhận người dân đến tái định cư khá đông. Sau một thời gian, cuộc sống của người dân tái định cư trên địa bàn đã từng bước ổn định. Đặc biệt, huyện luôn quan tâm đến cơ sở hạ tầng, nhà ở cũng như việc sản xuất của người dân tái định cư. Để thực hiện tốt việc này, huyện đã thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và hằng năm đều tiến hành rà soát số hộ khó khăn, hộ nghèo để có kế hoạch giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống./.