Đảm bảo an toàn trong vận hành đập, hồ thủy điện

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị thủy điện tăng cường tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn; triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu; bố trí lực lượng để xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra.
vna-potal-dien-bien-nha-may-thuy-dien-nam-nua-5727001-1636340478.jpg
Cán bộ kỹ thuật làm việc trong phòng điều hành của Nhà máy Thủy điện Nậm Núa. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN

Các hồ thủy điện, thủy lợi đóng vai trò lớn trong việc điều hòa dòng chảy, chống hạn, cắt giảm lũ, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và miền Trung. Do vậy, việc bảo đảm vận hành an toàn các hồ đập trên cả nước, nhất là hệ thống hồ đập trên bậc thang thủy điện là hết sức quan trọng. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn cho công trình, cho hạ du, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân đồng thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho phát điện, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khi có bão, mưa lớn liên tục, thường sẽ có lũ về từ thượng nguồn. Lúc này, các hồ thủy điện, thủy lợi sẽ phải thực hiện các quy trình điều tiết xả lũ một cách hợp lý theo quy định, vừa bảo đảm an toàn công trình, vừa giảm thiệt hại cho hạ du. Do trước khi có lũ, hồ chứa đã dành trước một phần dung tích đón lũ nên khi có lũ về, toàn bộ hoặc một phần nước lũ sẽ được tích lại trong hồ; nhờ đó góp phần cắt lũ, giảm lũ cho hạ du.

Thông tin từ Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, hiện tổng số các công trình thủy điện (có chiều cao đập lớn hơn 5m hoặc dung tích hồ chứa lớn hơn 50.000 m3) là 466 hồ thuộc địa bàn 32 tỉnh với tổng công suất lắp đặt là hơn 19.600 MW. Trong số này, có 3 công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu); có 7 công trình có dung tích trên 2 tỷ m3; 11 công trình có đập cao trên 100m; 11 quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đại diện Cục An toàn Kỹ thuật môi trường - Bộ Công Thương cho hay, trên cơ sở các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh có thủy điện, tích cực chỉ đạo các chủ hồ đập thực hiện nghiêm các quy định vận hành an toàn hồ chứa. 

Tính đến nay, cả nước đã có 100% đập, hồ chứa đã đăng ký an toàn đập, hồ chứa; 100% đập, hồ chứa được chủ đập thực hiện báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa theo đúng quy định; 100% hồ chứa đã được phê duyệt quy trình vận hành; hầu hết các công trình đều có phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, còn một số ít đơn vị chưa lập, trình phê duyệt phương án do cơ quan chức năng chưa xây dựng xong bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập làm cơ sở để xây dựng phương án.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị thủy điện tăng cường tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn; triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu; bố trí lực lượng để xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực thủy điện. thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt việc kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn vận hành hồ đập. Nhờ đó, mặc dù mưa lũ kéo dài xảy ra, có nhiều trận lũ lịch sử với tần suất dày và lưu lượng vượt xa lũ thiết kế nhưng các công trình đập, hồ chứa thủy điện vẫn đảm bảo việc vận hành an toàn và góp phần cắt giảm lũ.

Tuy vậy, đại diện Bộ Công Thương vẫn nhận thấy, còn một số trường hợp các chủ đập, hồ chứa thủy điện vi phạm quy trình vận hành, xả lũ không đúng quy định, tiếm ẩn các nguy cơ rủi ro cho công trình và an toàn của nhân dân. Điển hình như vụ Thủy điện Sử Pán 1, Lao Cai; Thủy điện Thượng Nhật, Thừa Thiên Huế; Thủy điện Hố Hô, Hà Tĩnh… Các trường hợp trên đã được Bộ Công Thương kịp thời nhắc nhở, xử lý theo quy định.

Hàng năm, trước khi bước vào những đợt mưa lũ, Bộ Công Thương đều đã có phối hợp chặt chẽ với địa phương kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật về: đảm bảo an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện tốt việc quản lý vận hành và khai thác các công trình thủy điện. Đặc biệt, nhiều trường hợp vi phạm đã được Bộ kiên quyết xử lý các theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Công Thương, để chủ động ứng phó với mưa bão, Bộ đều có các đợt kiểm tra thực địa đập, hồ chứa tại một số nhà máy thủy điện, làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh; yêu cầu các đơn vị bám sát tình hình thời tiết để xây dựng các kịch bản ứng phó, thực hiện nghiêm các quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định và tình hình thực tế tại địa phương.

Bộ Công Thương cũng cho hay, với diễn biến thời tiết cực đoan, bất thường, các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, luôn chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, giảm tối đa rủi ro trong mùa mưa lũ.... Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy điện, áp dụng công nghệ trong việc giám sát quá trình vận hành của các công trình thủy điện; xây dựng phương pháp và hướng dẫn kỹ thuật đánh giá an toàn đập thủy điện../.