![xuat-khau-rau-qua-3-1739022569.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/blog/DoTrongDat/2025/02/08/xuat-khau-rau-qua-3-1739022569.jpg)
Xuất khẩu rau quả đối mặt với những khắt khe của thị trường
Xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã có một năm 2024 thành công rực rỡ, khi đạt kim ngạch 7,15 tỷ USD với nhiều thị trường lớn ghi nhận sự gia tăng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Thái Lan...
Tuy nhiên, tháng 1/2025, xuất khẩu rau, quả bị sụt giảm 11,3% so với tháng 12/2024. Theo Bộ NN&PTNT, đây chỉ là yếu tố thời vụ, không phải vấn đề đáng lo ngại và ngành hàng này vẫn kỳ vọng trở thành điểm sáng của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.
Sản phẩm nông sản Việt Nam liên tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản lượng. Trong số đó, thị trường Trung Quốc được coi là điểm sáng khi nhập khẩu gần 4,1 tỷ USD riêng mặt hàng rau quả, chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Tuy nhiên, sự khắt khe trong tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nhập khẩu của các thị trường ngày càng cao. Hầu hết các thị trường đều đưa ra cảnh báo dù chỉ một lô hàng vi phạm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng.
Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong năm 2024, các thành viên WTO đưa ra 1.029 thông báo và thông báo dự thảo về các biện pháp SPS.
Trong số đó, có nhiều thông báo quy định về dư lượng lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia thực phẩm,… đối với từng sản phẩm nông sản thực phẩm. Phần lớn thông báo và thông báo dự thảo liên quan đến các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
![xuat-khau-rau-qua-1-1739022615.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/08/xuat-khau-rau-qua-1-1739022615.jpg)
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), cho biết EU tăng hay giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với mặt hàng nông sản thực phẩm của các nước thứ ba là hoạt động thường xuyên. Không chỉ có nông sản, thực phẩm của Việt Nam mà tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ khi nhập khẩu vào thị trường EU đều phải tuân thủ. Nếu tuân thủ tốt các quy định của EU thì sẽ được EU dỡ bỏ các điều kiện kiểm soát.
Không chỉ EU, trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu có xu hướng gia tăng các cảnh báo, ông Ngô Xuân Nam cho rằng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Việt Nam phải chủ động quản lý giám sát chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định của thị trường.
Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt tình hình để có hướng sản xuất, xuất khẩu hợp lý
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, không riêng thị trường Trung Quốc, một số thị trường lớn, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu cũng đã có những cảnh báo về chất lượng một số loại rau, quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã ra thông cáo báo chí phản ánh tình trạng một số đối tượng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế… Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng chân chính.
Ngoài ra, ngành hàng rau, quả còn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ của chiến tranh thương mại và xung đột chính trị toàn cầu. Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, chiến tranh thương mại và xung đột chính trị toàn cầu khiến nhiều thị trường gặp khó khăn trong giao thương hàng hóa. Song, đây cũng là cơ hội để hàng nông sản, trong đó có rau, quả tăng trưởng do nhu cầu của nhiều thị trường. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt tình hình để có hướng sản xuất, xuất khẩu hợp lý.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, ngành hàng rau, quả kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể đạt mốc 8 tỷ USD và tiến đến mốc 10 tỷ USD vào năm 2027. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi xuất khẩu rau, quả còn rất nhiều dư địa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để duy trì tăng trưởng và đạt được các mục tiêu đề ra, chất lượng sản phẩm và việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố then chốt.
Trước hết người nông dân trong quá trình tổ chức sản xuất, canh tác cần tuân thủ và cập nhật đúng các quy định của thị trường về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt với những hoạt chất không có trong danh sách cấm của EU thì mặc định ở mức 0,01ppm. Với những hoạt chất cho phép, bà con tuyệt đối tuân thủ quy tắc “4 đúng” - đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách. Nông dân phải đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc, đảm bảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, nông dân cần tích cực chuyển đổi sang hướng canh tác hữu cơ, sử dụng các hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường. Các doanh nghiệp cùng đồng hành trong đồng quản lý chất lượng sản phẩm.
![xuat-khau-rau-qua-4-1739022671.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/08/xuat-khau-rau-qua-4-1739022671.jpg)
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và truy xuất nguồn gốc. Những đơn vị vi phạm sẽ bị dừng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất trái cây đảm bảo sản xuất lớn, tập trung và tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao và đáp ứng được các quy định của thị trường. Mã số vùng trồng, mã số đóng gói, đối tượng kiểm dịch… không phải là vấn đề mới, nhưng để tiến sau vào các thị trường thì doanh nghiệp Việt cần làm tốt hơn nữa.
Theo các chuyên gia, nông dân và doanh nghiệp phải lưu ý tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, để tránh việc bị đưa vào danh sách kiểm soát hoặc tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát, hay nặng hơn là yêu cầu thêm chứng nhận phân tích mẫu khi xuất khẩu.
Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định: Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính./.