Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tháng 9 và 9 tháng đầu năm, trong đó xuất khẩu gạo, rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,8 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu nông sản 2,45 tỉ USD, tăng 46,9%. Chăn nuôi 45,3 triệu USD, tăng 32,6%. Lâm sản 1,28 tỉ USD, tăng 7,3% và thủy sản 850 triệu USD, giảm 0,8%.
Còn trong 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải việc tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng giảm sâu. Trong đó, nhóm giảm nhiều nhất là thủy sản với giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 6,64 tỉ USD, giảm 21,7%. Lâm sản 10,44 tỉ USD, giảm 20,6%.
Bên cạnh đó, nhóm nông sản chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu với giá trị 19,54 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Con số ấn tượng này được đóng góp bởi nhóm hàng rau quả 4,2 tỉ USD (tăng gần 72%, kỷ lục), gạo 3,66 tỉ USD (tăng 40%), hạt điều 2,61 tỉ USD (tăng 14%), cà phê 3,16 tỉ USD (tăng 2%).
9 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 553 USD/tấn (tăng 14%, có thời điểm giá gạo lên gần 650 USD/tấn) và cà phê đạt 2.499 USD/tấn (tăng 10%).
Trong khi đó, giá cao su chỉ đạt 1.335 USD/tấn (giảm 19%), chè đạt 1.711 USD/tấn (giàm 2,3%), điều 5.722 USD/tấn (giảm 4,5%), hồ tiêu 3.309 USD/tấn (giảm 25%).
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản trong 9 tháng tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%. Châu Mỹ 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%. Châu Âu 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%. Châu Phi 809 triệu USD, tăng 18,8% và châu Đại Dương 570 triệu USD, giảm 18,6%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%. Hoa Kỳ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.