Quyết liệt xử lý, ngăn chặn phân bón giả

Sản xuất phân bón giả từ hóa chất trôi nổi đang là vấn đề nhức nhối tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Trước tình hình đó, TP. Hồ Chí Minh đã ra "tối hậu thư", quyết tâm ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng.

Sản xuất phân bón giả từ hóa chất trôi nổi đang là vấn đề nhức nhối tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Trước tình hình đó, TP. Hồ Chí Minh đã ra "tối hậu thư", quyết tâm ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng.

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Thực trạng sản xuất phân bón giả tại thành phố cũng diễn biến phức tạp. Mới đây, các cơ quan chức năng bất ngờ đột kích một cơ sở sản xuất phân bón tại quận Bình Tân. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở này đã nhập một số lượng lớn hóa chất từ Trung Quốc để phối trộn với các nguyên liệu khác, lén lút sản xuất phân bón giả tung ra thị trường.

Còn tại huyện Bình Chánh, các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều cơ sở trộn lẫn phân bón thật với phân bón giả để phân phối ra thị trường.

xu-ly-phan-bon-gia-1649652475.jpg
Lực lượng chức năng quyết liệt xử lý nạn phân bón giả. Ảnh minh họa.

Được biết, theo quy hoạch huyện Bình Chánh chỉ có 2 cơ sở sản xuất phân bón. Tuy nhiên, hiện địa phương này có gần 60 cơ sở. Đáng lưu ý, trong đó có ngót một nửa cơ sở sản xuất không phép. Điều này cũng lý giải vì sao để xử lý tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chọn huyện Bình Chánh làm tâm điểm kiểm tra, xử lý, sau đó rút kinh nghiệm để thực hiện trên phạm vi cả nước.

Trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, do xung đột Nga - Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã. Chỉ trong hơn một năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Các đơn vị chức năng cũng phát hiện 9 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, đó là: Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Hóa Nông Lúa Xanh; Công ty TNHH Cửu Long; Công ty TNHH Phân bón Đất Phúc; Công ty TNHH Nông Vui; Công ty CP Phân bón Long Điền Thanh Hóa; Công ty CP Secpentin và phân bón Thanh Hóa; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Phong Vũ; Công ty CP Kỹ thuật DO HA L E D U S A; Công ty CP Dịch vụ phát triển nông nghiệp Đồng Tháp. Bên cạnh đó, cơ quan liên ngành còn phát hiện 11 cơ sở nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nội dung ghi nhãn.

Cục Bảo vệ thực vật dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón.

Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...

Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, phân bón kém chất lượng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nông dân ở huyện Bình Chánh và Củ Chi - hai địa phương sản xuất nông nghiệp lớn nhất nhì thành phố. Theo ông Sơn, bà con rất cần giải pháp mạnh tay từ chính quyền thành phố.

Trước yêu cầu này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã ra "tối hậu thư" đến cuối năm nay phải ngăn chặn dứt điểm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tuồn ra thị trường. Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với UBND các quận, huyện phải xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Thành phố kiên quyết thiết lập lại trật tự sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên.

Nhằm tránh tình trạng các ngành chức năng tập trung xử lý ở địa bàn này, các cơ sở sản xuất "chui" chuyển sang địa bàn khác tiếp tục hoạt động, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tăng cường đồng loạt ra quân, xử lý mạnh tay từ nay đến cuối năm. Đồng thời, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng không chỉ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất mà cả các cơ sở kinh doanh phân bón ở 24 quận, huyện.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, nếu để tình trạng sản xuất phân bón không phép, kém chất lượng xảy ra trên địa bàn mà địa phương không biết thì cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố. Thành phố cũng sẽ xem xét khởi tố một số doanh nghiệp, cơ sở vi phạm để răn đe...

Anh Vân(t/h)