Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta với quá trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ; nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.
Cùng với đó, SHTT được biết đến như là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận. Việc tận dụng tốt nguồn lực trí tuệ trẻ để đào tạo bài bản trong và ngoài nước sẽ giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ, chuyển đổi trên thế giới, đặc biệt là sử dụng SHTT như một công cụ chiến lược để khơi thông năng lực nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số quốc gia luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến vấn đề này, theo TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, vấn đề SHTT rất quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền SHTT trong hoạt động kinh doanh. Khi chưa tạo ra quyền SHTT, chúng ta nghĩ rằng quyền SHTT là một yếu tố cản trở vì cần phải bỏ ra kinh phí để sử dụng được nó, nếu không bỏ kinh phí thì sử dụng sao chép bất hợp pháp (đây là yếu tố không còn được chấp nhận trong nền kinh tế) nên buộc phải xác định nó là yếu tố hỗ trợ hay cản trở phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, hành động trong vấn đề tạo ra nó.
“Chuyển đổi số không chỉ là số hóa và ứng dụng số hóa bởi số hóa chỉ là vấn đề nhỏ trong vấn đề chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải thấy được sự thay đổi lớn trong bản thân của hoạt động kinh doanh số, vận hành số của cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc vận hành doanh nghiệp phải tính đến yếu tố về đổi mới, nhanh chóng, công nghệ để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Đó chính là các yếu tố dựa trên nền tảng của chuyển đổi số”, TS. Trần Lê Hồng nhấn mạnh.
Sự gắn bó giữa công nghệ với kinh doanh sẽ là yếu tố gắn kết giữa quyền SHTT, bởi công nghệ sẽ là vấn đề về SHTT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự đổi mới kỹ thuật số hiện đang phá vỡ các mô hình hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp nhưng các công nghệ số (di động, đám mây, cảm biến, phân tích, IoT, AI...) có thể biến ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp từ không thể thành có thể (xe tự lái, ứng dụng kỹ thuật thực tế ảo...).
Cũng theo TS. Trần Lê Hồng, sự thay đổi mô hình kinh doanh dưới hình thức chuyển đổi số, gắn với dịch vụ sẽ tạo nên hiệu quả tốt cho các doanh nghiệp. Hành lang pháp lý về SHTT ngày nay đang dựa trên cơ hội của quá khứ. Hiện tại, số hóa đang thay đổi những cơ hội này và hành lang pháp lý cũng sẽ tự động thay đổi. Doanh nghiệp nên nhận thức được điều này để sẵn sàng và tận dụng được những lợi thế mà nó đem lại.
Trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, quyền SHTT có mối quan hệ đặc biệt với hoạt động đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ và sản xuất, kinh doanh. Quyền SHTT là một loại cơ chế lợi ích mang tính khuyến khích và có điều tiết, có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng đối với hoạt động đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ để từ đó phát triển hoạt động sản xuất nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho hoạt động kinh doanh. Chính vì vai trò đặc biệt này mà nhận thức đối với quyền SHTT ngày càng được các nước coi trọng trong thời đại kinh tế tri thức./.