Quy hoạch báo chí: Phát triển 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện giữ vai trò trụ cột, định hướng thông tin

Định hướng phát triển đến năm 2030 hình thành mạng lưới khoảng 20% các cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn và tích cực trong xã hội để có hỗ trợ phù hợp. Xây dựng mô hình Tập đoàn báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ quan báo chí, đủ năng lực, nguồn lực, đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin...

Sáng 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp với một số Bộ ngành Trung ương về công tác Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

quy-hoach-bao-chi-1-1718785584.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: VGP)

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí chủ chốt ở Trung ương, TP. Hà Nội và TPHCM. Đây là quy hoạch ngành quốc gia do Bộ TT&TT tạo lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

100% cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thực hiện chuyển đổi số

Đối tượng của quy hoạch gồm: Báo chí, thông tin điện tử; phát thanh; truyền hình; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; xuất bản-in-phát hành. Đây là công cụ để điều hành, quản lý, chỉ đạo quốc gia, là nguồn cung cấp tri thức mọi mặt cho công chúng, là phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc.

Dự thảo quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030: 100% cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thực hiện chuyển đổi số, đổi mới toàn diện hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ theo xu hướng báo chí số. Tiếp tục đầu tư, phát triển 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân lớn mạnh, giữ vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực báo chí.

quy-hoach-bao-chi-2-1718785635.jpg
Phó Thủ tướng chỉ đạo, cơ quan soạn thảo cần chỉ ra định hướng tháo gỡ những vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý để thực hiện Quy hoạch này. (Ảnh: VGP)

Định hướng phát triển đến năm 2030 hình thành mạng lưới khoảng 20% các cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn và tích cực trong xã hội để có hỗ trợ phù hợp. Xây dựng mô hình Tập đoàn báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ quan báo chí, đủ năng lực, nguồn lực, đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin...

Qua thảo luận, lãnh đạo các cơ quan báo chí đánh giá cao dự thảo quy hoạch, nhưng có ý kiến cho rằng chưa nên đưa tập đoàn báo chí vào quy hoạch khi chưa làm rõ được mô hình tổ chức, quản lý, hạch toán. Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phạm Mạnh Hùng cho biết, nước ta hiện nay chưa có tổ hợp báo chí nào ở tầm châu Á và thế giới, do đó Quy hoạch cần mang tính mở, yêu cầu hội nhập, bởi phát triển đất nước cần có những cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, đa ngôn ngữ, đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay.

“Đài Tiếng nói Việt Nam đã trình một đề án là cơ quan báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện, đa ngôn ngữ. Đa ngôn ngữ là rất quan trọng để đưa được tiếng nói của đất nước mình giới thiệu với thế giới mới là cái ưu tiên để phát triển. Chúng tôi có nền tảng để phát triển nếu có đầu tư phù hợp. Ví dụ Đài Tiếng nói Việt Nam, riêng tiếng nước ngoài có 13 thứ tiếng, chỉ cần có sự sắp xếp đổi mới nhất định thì tờ báo điện tử của VOV hoàn toàn có thể tích hợp mười mấy thứ tiếng. Chưa nói là tiếng đồng bào dân tộc thiểu số của cơ quan báo chí này, nếu phát triển theo mô hình, tôi đề nghị đưa vào quy hoạch thuật ngữ "là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, đa ngôn ngữ"”, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tháo gỡ những vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý để thực hiện Quy hoạch báo chí

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh dự thảo Quy hoạch phải làm rõ ba vấn đề: Tầm quan trọng của đối tượng được quy hoạch; mục tiêu, định hướng phát triển trong tương lai; giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

Nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm, Phó Thủ tướng giao cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch theo nguyên tắc phải bảo đảm thực chất, có tính mở và khả thi trong thực hiện nhưng không xung đột với các quy định, quy hoạch khác.

Đối với những nội dung mới so với chủ trương của các cấp có thẩm quyền, cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm và trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền trước khi đưa vào dự thảo Quy hoạch.

quy-hoach-bao-chi-3-1718785558.jpg
Định hướng phát triển đến năm 2030 hình thành mạng lưới khoảng 20% các cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn và tích cực trong xã hội để có hỗ trợ phù hợp.(Ảnh minh họa)

Cơ quan soạn thảo cũng cần chỉ ra định hướng tháo gỡ những vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý để thực hiện Quy hoạch này, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo tiến hành trao đổi nghiêm túc với các cơ quan, địa phương liên quan, hiệu quả nhất là trao đổi trực tiếp thay vì trao đổi bằng văn bản.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT chủ trì, bảo đảm hoàn tất dự thảo và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch trước ngày 30/6/2024.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ TT&TT trình cấp có thẩm quyền chủ trương sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Phó Thủ tướng cho biết ông sẽ tham mưu cho Thủ tướng chủ trì cuộc họp với các cơ quan báo chí để tìm "lối ra" cho những khó khăn, vướng mắc chứ không chỉ dừng ở việc ghi nhận./.

Bình Châu