Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức hội nghị kết nối hoạt động du lịch năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Năm 2023, các chỉ tiêu phát triển du lịch đều tăng cao so với năm 2022 và vượt mức kế hoạch đề ra. Các chương trình, sự kiện trong năm thu hút số lượng lớn du khách và người dân trong tỉnh tham gia.
Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 dự ước đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 118.000 lượt khách, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt hơn 5.096 tỷ đồng.
Có 2 sản phẩm nổi bật trong mùa đông xuân, giảm thiểu tính thời vụ là mô hình làng du lịch thích ứng thời tiết ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) và khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang Onsen Spa & Resort tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
Du lịch Quảng Bình tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực và thế giới, nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của khách du lịch, các tạp chí trong và ngoài nước. Đặc biệt, làng du lịch Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là Làng du lịch tốt nhất năm 2023.
Hiện các doanh nghiệp, đơn vị du lịch cơ bản đã phục hồi hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ trong quá trình đón và phục vụ khách du lịch. Số lượng các sản phẩm, điểm đến tham quan tăng lên.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, chuyên biệt cho thị trường. Du lịch Quảng Bình luôn duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch. Quá trình chuyển đổi số trong quản lý lĩnh vực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch… cũng được đẩy mạnh.
Năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón từ 4,5-5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 200 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch là 5.650 tỷ đồng.
Đại diện các ngành, địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc và những tồn tại của du lịch Quảng Bình.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, hướng đến phát triển du lịch bền vững, như: Ưu tiên quảng bá, kích cầu thị trường khách du lịch nội địa; xây dựng các sản phẩm mới lạ; tăng thêm trải nghiệm cho du khách, phát huy lợi thế, tiềm năng để tăng trưởng du lịch; tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.