Kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát giao thông

Lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam đã trải qua một hành trình dài 79 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập nhiều chiến công, góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ.
2-1740130655.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục CSGT phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt chính trị (Ảnh Vân Anh).

Sự ra đời và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát giao thông

Lực lượng CSGT chính thức được thành lập vào  ngày 21/02/1946, trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thử thách. Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945), để giữ gìn trật tự trị an xã hội, bảo vệ cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ sự an toàn của nhân dân, các tổ chức tiền thân của lực lượng Cảnh sát nhân dân lần lượt ra đời để đáp ứng yêu cầu của cách mạng.

Trong đó nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng cũng được đặt ra hết sức khẩn trương. Để thống nhất tổ chức, lực lượng và sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng thành “Việt Nam Công an vụ”.

Tổ chức Việt Nam công an vụ có 3 cấp: Nha Công an Việt Nam; Sở Công an kỳ và Ty Công an tỉnh. Thực hiện Sắc lệnh trên, ở các Sở Công an kỳ, Ty Công an tỉnh có phòng và Ban trật tự làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, kiểm soát giấy tờ, thẻ căn cước… trong các tổ chức ấy đều có một bộ phận thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường, bến xe, bến phà, bến cảng… Có thể coi đó chính là lực lượng Cảnh sát giao thông bao gồm Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy sau này.

z6338507257490-96af6b4e876a699f1d3e4c5ff2bade31-1740130794.jpg
Chẳng khó để bắt gặp những hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng điều tiết tại các ngã tư đường phố (Ảnh: Xuân Hiếu).

Thời điểm đó, nền giao thông nước ta còn rất thiếu thốn, cơ sở hạ tầng yếu kém và phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp, xe máy, cùng với một số ít ô tô. Tuy nhiên, sự ra đời của lực lượng CSGT đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc duy trì trật tự an toàn giao thông.

Bước vào những năm 2000, khi nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, giao thông trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy và ô tô, đã đặt ra nhiều thách thức lớn đối với lực lượng CSGT. Lúc này, công tác bảo đảm an toàn giao thông không chỉ dừng lại ở việc điều tiết, mà còn liên quan đến việc xây dựng các chiến lược, mô hình mới để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc.

Lực lượng CSGT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, CSGT cũng triển khai các biện pháp như tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo và huấn luyện cán bộ CSGT đã được chú trọng hơn bao giờ hết. Các chiến sĩ CSGT không chỉ được trang bị kiến thức nghiệp vụ mà còn phải nâng cao kỹ năng mềm, từ giao tiếp đến xử lý tình huống một cách tinh tế và hiệu quả.

Những dấu ấn của CSGT trong các sự kiện trọng đại của đất nước

Lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông hằng ngày, mà còn góp phần rất lớn trong việc giữ gìn trật tự an toàn trong các sự kiện trọng đại của đất nước.

Như sự kiện APEC 2017 tại Đà Nẵng là một trong những sự kiện quốc tế lớn, Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng đã thu hút sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. CSGT đã có một vai trò không thể thiếu trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, và an toàn giao thông cho sự kiện này. Lực lượng CSGT đã thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát giao thông, thiết lập các tuyến đường an toàn, tổ chức phân luồng giao thông hợp lý để đảm bảo sự kiện diễn ra suôn sẻ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn đại biểu quốc tế di chuyển.

nu-canh-sat-giao-thong-lai-mo-581598369911-1740130839.jpg
Nữ cảnh sát giao thông lái mô tô dẫn đoàn  Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngoài việc kiểm soát giao thông, CSGT còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng an ninh khác để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nguyên thủ quốc gia và các đoàn đại biểu, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong khu vực sự kiện. Sự kiện APEC 2017 đã để lại một dấu ấn rõ nét về sự chuyên nghiệp, nhanh nhẹn và hiệu quả của lực lượng CSGT trong các sự kiện quốc tế.

Bên cạnh đó là các Đại hội Đảng toàn quốc và các sự kiện chính trị quan trọng. Mỗi khi Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra, lực lượng CSGT luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, an toàn giao thông xung quanh các khu vực tổ chức. Trong những sự kiện lớn của đất nước, CSGT không chỉ thực hiện nhiệm vụ điều tiết giao thông mà còn phối hợp với các lực lượng an ninh khác bảo vệ an toàn cho các đại biểu, lãnh đạo cấp cao, đồng thời ngăn chặn các hành vi gây rối trật tự. CSGT phải đảm bảo việc di chuyển của các lãnh đạo, đại biểu không bị gián đoạn và an toàn tuyệt đối.

Nhìn lại lịch sử của lực lượng CSGT Việt Nam sau 80 năm có thể thấy rõ sự phát triển vượt bậc của lực lượng CSGT không ngừng vươn lên để bảo vệ an toàn giao thông, đặc biệt là các sự kiện trọng đại của đất nước.

Cùng với sự phát triển khi đất nước đang dần tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với tinh thần đó từng cán bộ chiến sĩ, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục quyết tâm “Xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại"./.

Xuân Hiếu