Đây là lễ hội văn hóa truyền thống từ bao đời nay của người dân Đồng Hới. Lễ hội này có trước năm 1945, lễ hội được tổ chức 6 năm 1 lần (còn gọi là lục niên cạnh độ). Sau ngày giải phóng Đồng Hới (Ngày 18/8/1945), Lễ hội được tổ chức vào ngày quốc khánh 2/9 hàng năm. Hiện nay, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ nằm trong chương trình hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới được tổ chức vào dịp 30/4 và 1/5 hàng năm.
Lễ hội đua thuyền truyền trên sông Nhật Lệ năm 2022 nhằm duy trì, quảng bá và giới thiệu đến du khách và người dân nét đặc trưng văn hoá truyền thống của ngư dân miền biển Đồng Hới. Thông qua hoạt động này nhằm tiếp tục nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đặc sắc của địa phương; đồng thời góp phần phát triển phong trào thể thao đoàn kết trong quần chúng nhân dân và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của thành phố.
Tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm nay có 8 đội bơi đến từ 5 địa phương. Mỗi đội có 30 vận động viên (trong đó có cả vận động viên dự bị). Nét mới lễ hội năm 2022 là đua thuyền một lần đua với đường đua dài 12,5km.
Cụ thể, các thuyền thi đấu 2 vòng đua, điểm xuất phát gióng ngang từ cảng cá Nhật Lệ sang thôn Hà Dương (xã Bảo Ninh) cách 500m về phía thượng nguồn và về đích trước tượng đài Mẹ Suốt. Sau gần 1 giờ tranh đua quyết liệt, Ban tổ chức đã trao Giải Nhất cho đội đua thôn Đồng Dường (xã Bảo Ninh); Giải Nhì là đội đua phường Hải Thành; Giải Ba cho đội đến từ thôn Trung Bính (xã Bảo Ninh).
Tại buổi lễ hội, ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới phát biểu: “Lễ hội đã được người dân thành phố Đồng Hới giữ gìn và phát huy hiệu quả, vì vậy ngày 12/1/2022 lễ hội truyền thống này vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân thành phố Đồng Hới và chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để quảng bá, giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước về những nét đặc trưng văn hóa truyền thống và thu hút du khách đến với thành phố Đồng Hới, phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát "thích ứng linh hoạt".
“Với những nét đặc trưng riêng biệt và chứa đựng trong mình rất nhiều nét đặc sắc của văn hóa được tích tụ qua bao đời nay, những lễ hội như "Lễ hội cướp Cù"; "lễ hội bài chòi", "lễ hội đua thuyền truyền thống"… là những nét văn hóa đặc trưng góp phần không nhỏ cho việc thu hút đầu tư và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, góp phần xây dựng thành phố Đồng Hới trở thành một điểm đến, địa chỉ du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam"; "Người dân thành phố Đồng Hới đã chung tay giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng có của địa phương, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa đô thị văn minh và hiện đại; Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới phát biểu thêm.
Tại buổi lễ đua thuyền truyền thống, thừa ủy quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao bằng công nhận "Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ" là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho thành phố Đồng Hới.
Cũng vào sáng 30/4, tại bến phà Xuân Sơn (thị trấn Phong Nha), huyện Bố Trạch tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son lần thứ V.
Lễ hội đua thuyền năm nay có thuyền bơi nam và đua nữ đến từ các xã, thị trấn: Phong Nha, Liên Trạch, Hưng Trạch, Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch, Nhân Trạch. Các đội đua xuất phát từ bến thuyền trung tâm đến cầu Xuân Sơn qua ngã ba sông Chày rồi quay trở về với tổng đường đua dài 6km đối với thuyền nam và 4km đối với thuyền đua nữ.
Kết thúc cuộc đua, ở nội dung đua thuyền nam, đội thuyền xã Nhân Trạch giành giải nhất; đội thuyền thị trấn Phong Nha giải nhì và xã Liên Trạch giải ba. Ở nội dung đua thuyền nữ, giải nhất thuộc về thị trấn Phong Nha, giải nhì xã Liên Trạch và giải ba xã Hưng Trạch.
Được biết, kể từ năm 2017 đến nay, huyện Bố Trạch đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son diễn ra hằng năm vào dịp 30/4. Cũng trong dịp này, huyện Bố Trạch tổ chức hội thi cá trắm sông Son; biểu diễn dân vũ; chương trình văn nghệ truyền thống chào mừng lễ hội; tổ chức hội chợ trưng bày các sản vật, sản phẩm OCOP của các địa phương.