Quảng Bình: Hồ Bàu Mạ cạn "trơ đáy" ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Hồ Bàu Mạ thuộc xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được xem là “lá phổi” điều hòa không khí, nơi cung cấp nguồn nước quan trọng để tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp cho hai vụ lúa và cung cấp nước sinh hoạt giờ đây lại bị cạn kiệt do hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh vùng.
5-1689594925.jpg
Hồ Bàu Mạ cạn nước đến trơ đáy ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân

Theo ghi nhận, hồ Bàu Mạ có lịch sử lâu đời từ xưa để lại, có diện tích khoảng 6,2 ha, nằm tại thôn 4, người dân tại các khu vực thuộc xã Trung Trạch và thị trấn Hoàn Lão thừa hưởng được nguồn nước này vào việc tưới tiêu sản xuất nông nghiệp như hai vụ lúa, vụ 5 và vụ 8, bên cạnh đó lượng nước dự trữ tại hồ này cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân quanh vùng. Hiện nay, do hạn hán nặng tác động, cộng thêm nhiều năm chưa tiến hành nạo vét, bảo vệ lòng hồ nên các lớp đất dần dần lấp xuống khiến mặt đáy hồ ngày càng cạn.

3-1689594925.jpg
Thời gian hạn hán kéo dài đã khiến cho nước tại hồ bị cạn kiệt

Từ phản ánh của người dân, phóng viên đã ghi nhận lại được hiện trạng của hồ Bàu Mạ hiện nay đã cạn trơ đáy, do tác động của đợt hạn hán khắc nghiệt trong thời gian dài, không có mưa đã khiến nguồn nước cạn kiệt, lớp đất đáy hồ khô nứt nẻ, các sinh vật dưới nước nơi đây khó duy trì sự tồn tại. Tình trạng này làm ảnh hưởng tới hàng nghìn ha hoa màu, trong đó hàng trăm ha cây lương thực của bà con nông dân, các kênh mương thủy lợi cũng không còn nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại vùng này.

6-1689594925.jpg
Hồ cạn khiến các sinh vật nơi đây không có cơ hội để sống sót

Ông Phan Khắc Hoán, Bí thư thôn 4, cũng là một người dân sinh sống lâu đời gần hồ Bàu Mạ cho biết: “Đã rất lâu tôi không thấy mực nước ở hồ chứa này xuống thấp như hiện nay. Việc mực nước ở hồ xuống thấp do hạn hán cộng với không có lượng mưa đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân tại thôn 2, 3, 4, trong khi đó bà con nông dân rất cần nước tưới cho mùa màng”.

1-1689594882.jpg
Ông Phan Khắc Hoán, Bí thư thôn 4 chia sẻ với phóng viên về những khó khăn của bà con nông dân khi không có nước để sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt

Bên cạnh chuyện thiếu nước tưới cây trồng, người dân địa phương cho biết từ tháng 4, 5, 6, 7 trời không có giọt mưa khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân cạn kiệt, phải dùng từ nguồn nước tưới tiêu khác qua hệ thống chảy từ đập Đá Mài mới có nước tưới cho vụ Đông Xuân và Hè Thu (đặc biệt là vụ 5 và vụ 8).

4-1689594925.jpg
Căn chòi của người dân giờ đây cũng phải bỏ hoang vì nước cạn không thể nuôi tôm cá

Ông Từ Minh Hiến, Trưởng thôn 5 cho biết thêm: “Hồ này cần có phương án nào đó để gìn giữ, hồ này cũng như là lá phổi điều hòa không khí của toàn vùng, nó góp phần đảm bảo cho đời sống người dân chúng tôi trong sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

2-1689594924.jpg
Ông Từ Minh Hiến, Trưởng thôn 5 cho rằng, hồ Bàu Mạ cần có phương án quy hoạch, nạo vét, tôn tạo để gìn giữ, vì hồ này từ xưa tới nay là "lá phổi" điều hòa không khí cho bà con nhân dân trong vùng

Trước đây, hồ Bàu Mạ thuộc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nên được thường xuyên cải tạo, gìn giữ để đảm bảo có nước, từ khi HTX bị giải tán hồ được giao cho UBND xã Trung Trạch quản lí, hơn nữa nguồn kinh phí của địa phương không có, từ đó đến nay không cải tạo đã khiến hồ ngày càng cạn dần.

7-1689594925.jpg
Hồ cạn khiến nguồn nước sinh hoạt dành cho người dân nơi đây bị ảnh hưởng nhiều

Trước tình trạng này, UBND xã Trung Trạch đã chủ động tuyên truyền, phối hợp với các thôn và bà con nông dân thực hiện giải pháp phòng chống hạn như: Triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán như mô hình tưới tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả; quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo quy trình ướt - khô xen kẽ nhằm tiết giảm sử dụng nước trong sản xuất lúa, thực hiện phương án dùng nguồn nước tưới tiêu nhánh khác để đảm bảo tránh tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến hoa màu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Quang, Bí thư xã Trung Trạch chia sẻ: “Mong muốn cải tạo hồ Bàu Mạ dự trữ được lượng nước quanh năm giúp bà con nông dân trong vùng đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng vì nguồn kinh phí của địa phương không có nên không thể thực hiện được”.

9-1689595987.jpg
Nguồn nước chảy ra kênh thủy lợi phục vụ tưới tiêu nay không còn

Trước đó, ngày 20/3/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 435/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, cập nhật nội dung về tài nguyên nước vào Quy hoạch tỉnh nhằm thống nhất, đồng bộ và phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải nguồn nước nội tỉnh; điều tra, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông nội tỉnh; tổ chức cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt.

8-1689594940.jpg
Hệ thống kênh thủy lợi không còn nước để cung cấp cho bà con nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc tổ chức, cá nhân lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi trên địa bàn, bảo đảm sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả đảm bảo nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và thực hiện phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định; xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước để phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sinh hoạt, xây dựng các công trình thủy lợi, khôi phục nguồn nước bị suy thoái cạn kiệt để bảo vệ nguồn nước.

Mặt khác, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tham gia phối hợp tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước theo quy định pháp luật. UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước theo thẩm quyền; tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn theo quy định; tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước theo thẩm quyền.

Người dân tại xã Trung Trạch và thị trấn Hoàn Lão mong muốn được sự quan tâm của các cấp chính quyền huyện Bố Trạch, và tỉnh Quảng Bình có quy hoạch, kiểm tra hoạt động quản lý liên quan đến tôn tạo, nạo vét bảo vệ nguồn nước, đảm bảo thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai để người dân an tâm sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cũng như tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp quanh khu vực Bàu Mạ./.

Xuân Hiển