Nông nghiệp tuần hoàn là phương thức sản xuất tiên tiến
Trong khuôn khổ của Hội nghị “Nông nghiệp Tuần hoàn - Trang trại Xanh - Sản phẩm Sạch” vừa qua, đã quy tụ rất đông các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp, và người nông dân nhằm thảo luận về mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng trang trại xanh và sản xuất sản phẩm sạch.
Theo Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), nông nghiệp tuần hoàn là mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, mô phỏng theo hệ sinh thái tự nhiên, nơi các nguồn tài nguyên được sử dụng hiệu quả và tối đa, giảm thiểu rác thải và phát thải khí nhà kính. Mô hình này đang ngày càng được quan tâm áp dụng tại Việt Nam, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, xã hội và nền kinh tế.
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch VCAC chia sẻ: “Nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao các sản phẩm xanh, sạch không chỉ mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Theo ông Thắng, nông nghiệp xanh đang hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng các loại phụ phẩm, phế thải, không những nâng cao giá trị mà còn nâng cao cả về môi trường, giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp... đảm bảo nông nghiệp bền vững và góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.
Phúc lợi động vật và sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi
Cũng tại hội nghị, vấn đề “phúc lợi động vật, phát triển chăn nuôi bền vững và xuất khẩu” đã được các chuyên gia cùng bàn luận. Theo Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông Nghiệp Việt Nam (VFAEA), phúc lợi động vật được hiểu đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có.
Người tiêu dùng cũng đang rất quan tâm đến thực phẩm từ những con vật nuôi, chúng được sống như thế nào trong điều kiện chuồng trại. Đây cũng là xu thế trong tương lai mà người tiêu dùng đang rất quan tâm và hướng tới việc cần minh bạch.
Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch VFAEA khẳng định: “Tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn là một khái niệm còn mới và không phải người chăn nuôi nào cũng hiểu được. Tuy nhiên, phúc lợi động vật là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi bền vững”.
Để sản phẩm từ gia súc, gia cầm không tồn dư kháng sinh, không chất tăng trưởng, việc tạo cho vật nuôi (gà mái đẻ, lợn nái) được giải phóng trong lồng nuôi, thay vào đó, được sống trong môi trường tự do đúng tập tính của nó. Khi vật nuôi không bị stress thì sẽ cho chất lượng thịt, trứng năng suất hơn, chất lượng hơn.
Cả nước hiện có tổng đàn gà khoảng 550 triệu con, nhưng tỉ lệ đàn chăn nuôi gà đảm bảo phúc lợi động vật còn rất ít. Tiến sĩ Hạnh nêu dẫn chứng thực tế, tại Việt Nam, gà thường được nuôi nhốt trong lồng có nhiều tầng. Trong khi đó, gà đẻ trứng thường bị nuôi nhốt trong lồng với mật độ cao, không có ổ đẻ, thiếu vận động, sân chơi, không được thể hiện tập tính bản năng của động vật, thiếu sào đậu, thiếu bới cát, thiếu ổ đẻ… mà đấy là những tiêu chuẩn giúp con gà thể hiện bản năng tự nhiên nhất để làm sao nó khỏe mạnh.
Tương tự, với heo nái mang thai và nuôi con công nghiệp được nuôi trong lồng bằng kim loại, thiếu vận động, thiếu điều kiện thể hiện bản năng tự nhiên như dụi mõm, vận động, đứng, tương tác…
Cả nước hiện có khoảng 3,2 triệu con lợn nái được sử dụng để cung cấp con giống cho ngành công nghiệp thịt lợn của Việt Nam. Tỉ lệ nuôi nái cũi còn phổ biến và hiện chưa có trại nuôi lợn được chứng nhận về phúc lợi động vật. Với phúc lợi động vật, ngoài an toàn sinh học, còn mang lại giá trị về mặt sản phẩm và giá trị về mặt thương hiệu cho các doanh nghiệp./.