
Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích rừng khá lớn. Xác định rừng không chỉ là “lá chắn tự nhiên” bảo vệ con người trước thiên tai mà còn là nguồn sống của người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, chú trọng chăm sóc, phát triển và thu được kết quả tích cực, bền vững. Hàng năm, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có diện tích rừng lớn thường xuyên tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ rừng cho người dân, đặc biệt là người dân sống ven rừng, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Vì vậy, diện tích rừng của tỉnh đã được bảo vệ và phát triển hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đạt gần 40%.
Hàng năm, toàn tỉnh trồng mới gần 10.000ha rừng tập trung; trồng hơn 2 triệu cây phân tán; chăm sóc gần 30.000ha rừng trồng. Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây trồng phân tán toàn tỉnh đạt gần 800.000m3. Công tác quản lý, quy hoạch ba loại rừng được chú trọng, đảm bảo tuân thủ các quy định của luật hiện hành, qua đó diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ, khai thác sử dụng có hiệu quả và phát triển bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; các hành vi vi phạm quy định của luật về quản lý bảo vệ, phát triển rừng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại; từng bước khai thác, phát huy giá trị rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước về công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng, tỉnh chỉ đạo ngành liên quan và địa phương rà soát, bổ sung và tăng cường công tác quản lý đối với các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, gắn với quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương và quy hoạch của tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi.Tăng cường sự phối hợp thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, sạt lở đất rừng để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, sạt lở gây ra.
Tăng cường kiểm tra các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng phòng hộ xung yếu, các dự án giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, gắn với triển khai có hiệu quả quy hoạch của tỉnh và các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có tác động đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, công tác trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ tác động của thiên tai và ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu./.