Với diện tích toàn huyện trên 34.879,7 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 85%, đất lâm nghiệp chiếm 48%, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp để phát triển cây chè, lúa, sắn, gỗ rừng trồng, cây dược liệu và các loại cây trồng khác có giá trị. Cùng với đó, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) còn có nhiều di tích lịch sử văn hoá như đền Đuổm, đền Khuôn, Đền trình. Đặc biệt, với những nét văn hoá đa sắc màu của 8 dân tộc đã tạo cho Phú Lương những tài nguyên văn hoá đậm đà để phát triển du lịch xanh bền vững.
Từ tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp, huyện Phú Lương xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo sinh kế cho người dân. Toàn huyện có gần 16.700ha rừng, chiếm 48% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó diện tích rừng sản xuất là trên 14.200ha, còn lại là rừng phòng hộ (chủ yếu là các loại cây keo, mỡ, bạch đàn), tập trung tại các xã: Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Động Đạt.
Tại xã Yên Ninh - một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất huyện Phú Lương, với trên 3.100ha, trong đó có khoảng 2.100ha rừng sản xuất. Hiện nay, trong xã có gần 1.000 hộ có nguồn thu nhập từ rừng, chiếm khoảng 50% tổng số hộ.
Theo lãnh đạo UBND xã Yên Ninh cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với cách làm này, người dân vừa chăm sóc được diện tích rừng đến tuổi khai thác, vừa có nguồn thu nhập thường xuyên để duy trì sinh hoạt, nâng cao đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Để phát huy tiềm năng kinh tế lâm nghiệp, thời gian tới UBND huyện Phú Lương sẽ triển khai các cơ chế, chính sách, hỗ trợ người dân nâng cao giá trị kinh tế từ rừng như: Hỗ trợ trồng rừng theo dự án; tập huấn chuyển giao kĩ thuật trồng rừng, phối hợp cấp chứng chỉ FSC, kết nối tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp… thực hiện nhiều giải pháp tích cực để trồng và phát triển rừng. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội, dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gỗ rừng trồng thông qua việc nâng cao chất lượng giống, loài, cấp chứng chỉ rừng… hướng đến mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mác - Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, phát triển kinh tế xanh là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng như của huyện. Trong những năm qua huyện đã có nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực như: đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm thế mạnh như chè, cây dược liệu, kinh tế rừng... ứng dụng chuyển đối số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh.
"Từ những kết quả trong phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục vận dụng chủ trương và các cơ chế, chính sách để thực thi một cách thiết thực hiệu quả. Từ việc nâng cao nhận thức, tới quy hoạch, phát triển hạ tầng, đổi mới công nghệ đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác đã thành công để vận dụng vào thực tiễn... Đây là những giải pháp cơ bản để Phú Lương tiến nhanh, tiến vững chắc trên hành trình phát triển kinh tế xanh và bền vững", ông Nguyễn Hoàng Mác nhận định./.