Phiên Giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh có sự tham dự của 32 đơn vị, doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 1.840 chỉ tiêu, đa dạng các vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn. Đây là cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những công việc, vị trí việc làm phù hợp, ổn định, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Cùng với hoạt động giao dịch về việc làm, phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động, Ban Tổ chức còn triển khai các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu lao động, tư vấn hướng nghiệp học nghề, tư vấn các kỹ năng tìm việc làm, kỹ năng tham gia thị trường lao động, chia sẻ các thông tin liên quan đến chính sách pháp luật lao động cho người lao động.
Trong khuôn khổ chương trình, hàng nghìn người lao động có cơ hội phỏng vấn tuyển dụng các vị trí việc làm đa dạng như: Quản lý cửa hàng, trưởng ca sản xuất, nhân viên kinh doanh, nhân viên văn phòng, chuyên viên nhân sự, kế toán, kỹ sư, thủ kho, thợ may, điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn, đầu bếp, lao động phổ thông… Các thông tin về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề được thông báo cụ thể, rõ ràng về số lượng cần tuyển, địa chỉ chủ sử dụng..., giúp người lao động dễ tìm hiểu và lựa chọn tham gia tuyển dụng.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam chia sẻ: Việc tổ chức Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Mê Linh tiếp tục là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện và khu vực lân cận, tạo cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ được cung cấp về thông tin thị trường lao động, từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm kỹ năng và kiến thức, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm.
Huyện Mê Linh có dân số hơn 23 vạn người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động khoảng 183.000 người. Bình quân hằng năm, có khoảng 2.500 đến 3.000 lao động trên địa bàn huyện có nhu cầu việc làm. Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Quang Minh có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động ổn định, với khoảng 38.000 người lao động. Bên cạnh đó, huyện giáp Khu công nghiệp Thăng Long (thuộc huyện Đông Anh), khu công nghiệp Nội Bài (thuộc huyện Sóc Sơn), các nhà máy như Honda, Toyota... đều là thị trường lao động lớn của doanh nghiệp và người lao động.
Tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, trong năm 2023, huyện Mê Linh đã tổ chức đào tạo 11 lớp với 385 học viên học nghề. Năm 2024, dự kiến có 10 lớp đào tạo nghề cho 350 học viên được tổ chức. Sau học nghề, các học viên được giới thiệu tới các cơ sở, doanh nghiệp để liên hệ tuyển dụng.
Huyện cũng đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho đối tượng học sinh và liên hệ với các trường trung cấp, cao đẳng để liên kết đào tạo nghề cho học sinh lớp 12 theo chỉ đạo của thành phố. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương./.