Trung tướng Phạm Tuân, người trực tiếp tham gia chiến dịch 12 ngày đêm (từ tối 18/12/1972 đến ngày 29/12/1972) của trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cho biết: Ngay khi chiến dịch này kết thúc thắng lợi, đầu năm 1973, ông có gặp phi công lái B52 của Mỹ ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và hỏi rằng: “Các ông đã nghĩ gì khi bay vào Hà Nội?". Ông ta đã nói thẳng: "Vũ khí của các ông chúng tôi biết hết rồi, kể cả sân bay của các ông như thế nào, tên lửa của các ông có loại gì, máy bay có loại gì… chúng tôi đều nắm được và chúng tôi đã diễn tập đánh với những vũ khí đó hết rồi". Tôi có hỏi tiếp "Giờ ông ngồi trong Hỏa Lò ông nghĩ gì?". Ông ta nói đó là cái lạ của Việt Nam”.
Việt Nam đánh bại B52 ở thế chủ động
Máy bay B52 của Mỹ thời đó được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay”, là một trong 3 vũ khí chiến lược để triển khai chiến tranh hiện đại. Một chiếc B52 có thể “cõng” được 30 tấn bom, mỗi tốp 3 chiếc máy bay B52 có thể san bằng được một không gian rộng chừng 2km2. Mỗi lần B52 xuất kích còn có rất nhiều máy bay khác bay cùng để yểm trợ như F4, F105. B52 cũng như các máy bay yểm trợ có hệ thống làm nhiễu sóng ra đa rất mạnh, đó là khó khăn rất lớn cho lực lượng Phòng không - Không quân của ta. Do che mắt được ta bằng hệ thống làm nhiễu như vậy, lại “cõng” được nhiều bom nên B52 được Mỹ tin tưởng về tính hiệu quả khi đưa ra miền Bắc đánh phá.
Vậy tại sao Việt Nam vẫn đánh thắng B52? Trung tướng Phạm Tuân phân tích: Do Đảng và Nhà nước ta đã dự báo được sớm là Mỹ sẽ cho máy B52 là miền Bắc đánh phá nên đã cho lực lượng quân đội tập luyện ngày đêm để đối phó và tìm ra cách đánh B52.
Năm 1967, Trung tướng Phạm Tuân vừa tốt nghiệp trường không quân ở Liên Xô, thế nhưng Việt Nam đã đề nghị Liên Xô dạy cho phi công của ta bay đêm. Liên Xô cũng bất ngờ vì chưa bao giờ có tiền lệ là phi công vừa tốt nghiệp ra trường, chưa bay ban ngày thuần thục đã đề nghị cho bay đêm, bay đêm trong điều kiện thời tiết có tuyết rất phức tạp. Cùng lúc đó, ở Hà Nội cũng đã thành lập một phi đội bay đêm trên máy bay tiêm kích MIG-21.
Theo Trung tướng Phạm Tuân, những năm 1971-1972, lực lượng của ta đã kéo tên lửa vào tận Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị) để tập phát hiện, bắn B52 như nào và chúng ta cũng bắn rơi được 2 chiếc B52. Năm 1972, Mỹ tiếp tục dùng máy bay B52 đánh phá từ Quảng Bình ra đến Thanh Hóa, điển hình là đánh ở Hải Phòng vào ngày 16/12.
“Sau những trận đánh với B52 như vậy, quân ta lại họp bàn để rút kinh nghiệm và quyết tìm ra cách đánh B52. Đội nghiên cứu về nhiễu sóng ra đa của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng miệt mài tập luyện, nghiên cứu xem nhiễu của B52, F4 và F105 như nào để rồi rút kinh nghiệm và tìm ra phương pháp đối phó. Không quân chúng tôi cũng phải tập ngày, tập đêm, tập cất cánh trong đường băng nhỏ và hẹp, rồi còn cho một máy bay khác giống với B52 bay lên để tập luyện chiến đấu… Cuối cùng ta cũng đã tìm ra được cách đánh B52” - Trung tướng Phạm Tuân cho biết.
Trung tướng Phạm Tuân đưa ra nhận xét, Việt Nam đánh thắng B52 là có sự nhìn xa, trông rộng của Đảng, Nhà nước ta, từ đó đã chuẩn bị kỹ về lực lượng trong đó có con người, vũ khí và chiến thuật. Ngoài ra, chúng ta đã đánh giá đúng sức mạnh của địch và nội lực của ta. “Còn một điểm nữa mà chúng ta cứ vẫn nói nhiều, nhưng trong chiến tranh, tôi là người tham gia mới thấy thực tế đó là chiến tranh nhân dân với ba thứ quân, nghĩa là: Máy bay địch bay tầm thấp thì có pháo cao xạ, bay tầm trung có tên lửa không quân bắn, bay tầm cao có tên lửa không quân và pháo cao xạ tầm cao. Máy bay địch đi tầm nào chúng ta cũng có vũ khí để bắn”.
Bảo vệ tốt nội thành Hà Nội
Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ đã huy động 193 máy bay B52, cất cánh 663 lần đánh vào miền Bắc, tập trung đánh 417 lần ở khu vực Hà Nội. Theo Trung tướng Phạm Tuân, ngoài việc ta bắn rơi được máy bay B52 thì quân và dân ta đã bảo vệ tốt mục tiêu ở Hà Nội, đó là chỉ có 2 vệt bom dội xuống nội thành Hà Nội là ở Bạch Mai và Khâm Thiên, còn đâu chỉ ở xung quanh Hà Nội.
“Tôi muốn nói là trong tác chiến thì có hai vấn đề là tiêu diệt địch và bảo vệ mục tiêu. Thế thì có những lúc, bảo vệ mục tiêu là quan trọng nhất, không cần bắn rơi máy bay địch, nhưng không cho chúng ném vào mục tiêu coi như thành công. Chứ chỉ cần một vệt ba chiếc B52 vào, thì 2km2 là nó có thể san bằng. Nên nói lại là, ngoài việc ta bắn rơi nhiều máy bay, chúng ta còn bảo vệ trọn vẹn được Hà Nội” - Trung tướng Phạm Tuân cho biết.
Đầu tháng 12 năm 1972, Mỹ đình chỉ việc ký Hiệp định Paris, Nixon đe dọa sẽ ném bom hủy diệt Hà Nội, bắt Hà Nội phải “quỳ gối” chấp nhận những điều khoản có lợi cho Mỹ trên bàn Hội nghị ở Paris. Từ tối ngày 18/12 đến ngày 29/12/1972, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II, huy động 193 máy bay chiến lược B52, hơn 1.077 máy bay chiến thuật các loại, 50 máy bay KC.135 tiếp dầu trên không, 6 tàu sân bay và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số mục tiêu khác. Liên tục trong 12 ngày đêm, “Pháo đài bay B52” đã rải thảm hơn 20.000 tấn bom, đạn các loại.
Bằng đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, chúng ta đã xây dựng được thế trận Phòng không - Không quân nhân dân rộng khắp, mà nòng cốt là bộ đội phòng không. Kết quả 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, có 34 chiếc B52; riêng Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 53 chiếc, có 32 chiếc B52 (16 chiếc rơi tại chỗ), làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975./.