Phát triển Tây Nguyên trên tinh thần "Hợp tác trong phát triển, phát triển trong hợp tác"

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, thời gian qua vùng Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả tích cực, đáng khích lệ về mặt kinh tế-xã hội; Phó Thủ tướng cũng lưu ý thêm, để việc quy hoạch cho sự phát triển của Tây Nguyên với tầm nhìn dài hạn, bền vững, các địa phương trong vùng nên học hỏi theo tinh thần “Hợp tác trong phát triển, phát triển trong hợp tác”.

Chiều 23/6, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), đã diễn ra hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba với hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và 5 tỉnh Tây Nguyên tham dự. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì hội nghị.

quy-hoach-phat-trien-tay-nguyen-2-1719145620.jpg
Hơn 200 đại biểu dự Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3.

Quy mô kinh tế của toàn vùng bằng 4,01% GDP cả nước

Hội nghị đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sơ kết thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3 đã công bố Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, giai đoạn 2021-2030 vùng Tây Nguyên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt 7-7,5%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 130 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5% mỗi năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bảo dân tộc thiểu số giảm trên 3%. Đáng chú ý toàn vùng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng của vùng lên 47% vào năm 2030 (hiện nay là 46,34%).

quy-hoach-phat-trien-tay-nguyen-4-1719145699.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên trao quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo các tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên đã hoàn thành được 16/25 nhiệm vụ, chiếm 64% số nhiệm vụ được giao. Đối với 9 nhiệm vụ còn lại, các bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai do đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.

Năm 2023, quy mô kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) của toàn vùng đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,58 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với năm 2022. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 3,5% dự toán thu ngân sách nhà nước do Trung ương giao. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,912 tỷ USD, tăng 11,9% so cùng kỳ 2022.

Trong quý 1/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 977 doanh nghiệp, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, toàn vùng vẫn còn những mặt hạn chế như GRDP bình quân đầu người của vùng còn thấp; phát triển kinh tế chưa có tính đột phá, các ngành kinh tế trọng điểm đóng góp chưa rõ nét; tăng trưởng về nông nghiệp, lâm nghiệp chưa thật sự bền vững là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp-xây dựng còn thấp, hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến...

Đặc biệt giai đoạn hiện nay, vùng Tây Nguyên có sự chồng lấn trong quy hoạch quy hoạch thăm dò bô-xít, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản, dẫn đến nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời việc xây dựng, phát triển các tuyến cao tốc, hạ tầng giao thông của khu vực còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về nguồn kinh phí.

Phát triển của Tây Nguyên với tầm nhìn dài hạn, bền vững

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị: “Nhằm sớm giải quyết vấn đề liên kết vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, kính đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét quyết định bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ. Thứ hai, quan tâm quan tâm bố trí kinh phí thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum)- Pleiku, cao tốc phía Tây trong giai đoạn 2021-2030”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, thời gian qua vùng Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả tích cực, đáng khích lệ về mặt kinh tế-xã hội. Thông qua hội nghị lần này, Hội đồng sẽ nắm bắt những vấn đề vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải, từ đó báo cáo Chính phủ, đề xuất hướng xử lý cho vùng Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý thêm, để việc quy hoạch cho sự phát triển của Tây Nguyên với tầm nhìn dài hạn, bền vững, các địa phương trong vùng nên học hỏi theo tinh thần “Hợp tác trong phát triển, phát triển trong hợp tác.”

“Hiện có 3 việc mà chúng ta có thể làm ngay được, thứ nhất là giao thông kết nối như đã nói, có khi chỉ đoạn đường chỉ 30-40km nhưng tạo sự thông thoáng, giao lưu rất lớn giữa 2 địa phương. Thứ hai, rất đúng với mô hình ở Tây nguyên, đó là phát triển mô hình du lịch theo chuỗi, theo tour nhưng lưu ý mỗi khu du lịch phải có nét độc đáo riêng có của nó. Thứ ba, có thể chia sẻ nhau trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Có một dự án lớn thì chia sẻ thơm thảo này, dưới góc độ từng địa phương thì có nơi được, có nơi thiệt một chút nhưng trong bình diện chung phát triển của cả khu vực là chúng ta có lợi lớn”, Phó Thủ tướng nói.

quy-hoach-phat-trien-tay-nguyen-3-1719145744.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, thời gian qua vùng Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả tích cực, đáng khích lệ về mặt kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh Tây Nguyên trong công tác quy hoạch cần tiếp tục rà soát, sớm phát hiện những bất cập để xây dựng khung pháp lý có tính chất định hướng để cùng phát triển, trên tinh thần liên kết, hợp tác. Các tỉnh cũng cần lưu ý triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo chất lượng và tiến độ khi chỉ còn nửa năm thực hiện giải ngân nguồn vốn năm 2024. Chính phủ đã nỗ lực mới có được cơ chế, có nguồn vốn, mà địa phương lại thiếu quan tâm, thiếu tích cực là chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên xác định rõ nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết 23 và Chương trình hành động của Chính phủ. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, cán bộ người địa phương cũng như vấn đề chuyển đổi số.

Cũng tại hội nghị, Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên cũng thông qua các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2024 gồm: các bộ, ngành, địa phương phối hợp rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành và đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù vùng của vùng Tây Nguyên để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; tập trung tổ chức thực hiện quy hoạch vùng Tây Nguyên và các quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.../.

Bình Nguyên