Đắk Lắk là tỉnh miền núi có vị trí địa lý ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, với điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là hơn 627 nghìn ha (trong đó có hơn 298 nghìn ha đất đỏ bazan màu mỡ), thuận lợi cho việc phát triển các loại cây cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều, ca cao và một số loại cây ăn quả chủ lực như bơ, sầu riêng, cam, quýt, vải thiều, chôm chôm… ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã đặt ra định hướng phát triển nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực này.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đặt mục tiêu nâng cao diện tích và sản lượng sản phẩm chủ lực. Cụ thể, đến năm 2025 diện tích cà phê đạt 203.000 ha, sản lượng đạt 487,2 nghìn tấn, diện tích hồ tiêu đạt 35.000 ha, sản lượng đạt 77,0 nghìn tấn; diện tích cây ăn quả 28.000 ha, sản lượng 326,6 nghìn tấn/năm; đàn bò khoảng 310 nghìn con/năm, sản lượng thịt 17.160 tấn/năm. Chính vì vậy, dư địa để phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk còn rất lớn.
Xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia Chương trình theo đúng chu trình OCOP nhằm đảm bảo các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (19 sản phẩm đạt 4 sao, 118 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Đây cũng là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng miền ở các địa phương đã được đầu tư về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc rõ ràng.
Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP; năm 2030 có 300 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận. Các sản phẩm nâng dần chất lượng, hạng sao, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước một cách thiết thực. Ngoài sản phẩm OCOP được công nhận như hiện nay (chủ yếu thuộc ngành thực phẩm) Đắk Lắk hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của tỉnh nhà đến du khách trong và ngoài nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành sản phẩm OCOP, tỉnh ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, phát triển thương mại, dịch vụ nông sản theo hướng bền vững; coi nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 23-24%, ngành trồng trọt 70-72%, ngành dịch vụ 5-6%; tăng cường sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu cà-phê, hồ tiêu, sắn, cây ăn trái (bơ, sầu riêng, cây có múi) mật ong theo chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung tiếp tục phát triển rừng, chăn nuôi bò thịt, lợn và cá nước lạnh trở thành ngành hàng có tính cạnh tranh cấp vùng; thu hút đầu tư và phát triển chế biến sâu nông lâm sản và dịch vụ thương mại; giúp nâng cao thu nhập người dân địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương này sẽ ban hành các quy định, nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương như chi: triển khai chu trình OCOP thường niên, thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và mua bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng, Trung tâm OCOP và phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường, hỗ trợ quản lý, chất lượng, bảo hộ thương hiệu, chi thưởng cho các sản phẩm đạt sao OCOP... Trước mắt, hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh 4 hoạt động, đầu tiên là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trên toàn quốc; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (hiện UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương). Việc chuẩn hóa theo các tiêu chí của Quyết định 920 giúp cho các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở thành một nguồn cung cấp hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng các nhu cầu về những sản phẩm hàng hóa chất lượng, tinh xảo, độc đáo, ẩn chứa trong mình những yếu tố lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể được kết tinh, trao truyền qua các thế hệ ở mỗi vùng miền trên cả nước.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Đồng thời, còn tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối, đáp ứng được những khát khao của các chủ thể, các nhà sản xuất OCOP. Qua đó các nhà phân phối sẽ chia sẻ những tín hiệu thị trường, giới thiệu những tiêu chuẩn kinh tế và kỹ thuật để sản phẩm OCOP có thể xuất hiện.
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP được thụ hưởng nhiều sự hỗ trợ từ tỉnh. Tỉnh đã triển khai Đề án phát triển trung tâm, điểm bán hàng giới thiệu sản phẩm OCOP. Hiện nay, tỉnh đã thí điểm mở 2 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP tại thành phố Buôn Ma Thuột, hoạt động khá hiệu quả và sẽ tiếp tục mở rộng các điểm ở nhiều nơi trong năm 2023. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP thông tin thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã, xây dựng thương hiệu và truyền thông, phát triển thị trường.
Đặc biệt, Sở Công Thương Đắk Lắk đã có văn bản trao đổi với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh, thành để cung cấp danh sách sản phẩm OCOP của tỉnh cùng phương thức liên lạc cụ thể để tạo điều kiện kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Sở đang tích cực hợp tác, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, đặc biệt là công nghệ số cho các chủ thể của sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk với lợi thế là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản, việc triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí, địa thế, nền tảng sản xuất với quy mô lớn có thể hình thành vùng chuyên canh, triển khai bằng hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến (sản xuất áp dụng công nghệ cao), giá trị gia tăng cao (nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất), có trách nhiệm và bền vững.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến hết tháng 6/2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên, trong đó 42 sản phẩm 5 sao, với 5.069 chủ thể tham gia. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài.