Phát triển nghề nuôi ong lấy mật tại Hòa Bình

Những năm gần đây, nghề nuôi ong mật tại xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình rất phát triển và đã giúp người dân nâng cao thu nhập.
ong3-1695279220.jpg
Nhiều hộ dân tại xã Độc Lập thành công với mô nuôi ong lấy mật - Diễm Quỳnh.

Có lợi thế về khí hậu và diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng lớn, hiện nay, tại xã Độc Lập có gần 300 đàn ong, tập trung chủ yếu tại các xóm Sòng, Nội,... So với các mô hình kinh tế khác, nghề nuôi ong lấy mật tuy không cần nhiều vốn đầu tư nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, người nông dân phải am hiểu các đặc tính của ong để chọn được ong chúa khỏe, khi đó chất lượng đàn ong mới cao.

Không ít hộ trong xã đã nuôi ong thành công và có thu nhập ổn định. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Phán ở xóm Sòng, với gần 50 đàn ong, thu được 250 đến 300 lít mật ong/năm, thu nhập hơn 90 triệu đồng. Bên cạnh những kinh nghiệm tích lũy được, người dân tại xã cũng đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đem lại hiệu quả cao nhất.

ong2-1695279207.jpg
Người nuôi ong phải chăm sóc tỉ mỉ và kiểm tra thường xuyên để đàn ong phát triển tốt - Ảnh: Diễm Quỳnh.

Ngoài mật ong, người dân còn sản xuất các sản phẩm khác từ nghề nuôi ong như sáp ong, sữa ong chúa,... những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng chữa bệnh, nên rất dễ bán trên thị trường.

ong-1-1695279229.jpg
Các sản phẩm từ ong đem lại hiểu quả kinh tế cao - Ảnh: Diễm Quỳnh.

Tuy nghề nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả kinh tế cao, song phần lớn các hộ vẫn sản xuất nhỏ lẻ. Vì vậy, các địa phương cần hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mật ong.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã Độc Lập, để nghề nuôi ong được nhân rộng, xã sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ nuôi ong về cả vốn và kĩ thuật, tăng cường công tác tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, góp phần tạo sự ổn định kinh tế cho người dân.

Diễm Quỳnh