Điều này đúng, nhưng hoàn toàn chưa đủ, trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ đưa ra những phân tích dựa trên mối liên hệ tương tác giữa kinh tế và môi trường để chúng ta có nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề môi trường hiện nay.
Môi trường địa lý hoặc môi trường sống của con người và được hiểu là: “hệ thống các hoàn cảnh chứa đựng và thể hiện các quan hệ phức tạp giữa những thành phần tự nhiên, kinh tế và con người, tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định”. (Trích định nghĩa của UNEP - United Nations Environment Programme - Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc).
Mối liên hệ tương tác giữa kinh tế và môi trường thông qua mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên.
Mối quan hệ tương tác giữa kinh tế và môi trường là một biểu hiện cụ thể của mối quan hệ tương tác rộng lớn hơn, bao trùm hơn, thường xuyên hơn và xuyên suốt mọi thời đại kể từ khi xuất hiện xã hội con người trên hành tinh chúng ta. Đó là mối quan hệ tương tác giữa con người, xã hội và tự nhiên.
Các thành phần của hệ thống môi trường gồm: khí quyển, thạch quyển, sinh quyển, thủy quyển và trí quyển. Hệ thống môi trường với chức năng cơ bản là nguồn cung cấp tài nguyên cho con người, là nơi chứa đựng phế thải, là không gian sống cho con người. Chức năng này của hệ thống môi trường là hữu hạn. Trong khi đó, phát triển và đặc biệt là phát triển kinh tế là xu thế chung của từng cá nhân và cả loài người trong quá trình sống. Trong quá trình phát triển kinh tế luôn diễn ra các hoạt động khai thác tài nguyên (R-Resourse), chế biến nguyên liệu (P-Production) và phân phối để tiêu dùng (C-Consumer) theo chu trình sau:
Giữa môi trường và kinh tế có mối quan hệ hết sức chặt chẽ: môi trường là địa bàn và đối tượng để kinh tế phát triển, còn phát triển kinh tế là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường. Nếu gọi W (Waste) là tổng lượng thải từ hệ thống kinh tế. Khi đó, W được xác định bằng tổng lượng thải từ các quá trình: khai thác tài nguyên (WR-Waste of Resourse), chế biến nguyên liệu (WP-Waste of Production) và phân phối tiêu dùng (WC-Waste of Consumer). W = WR + WP + WC.
Hoạt động của hệ thống kinh tế tuân theo định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, đó là năng lượng và vật chất không mất đi và không tự sinh ra, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Cũng chính từ quy luật đó cho thấy tài nguyên mà con người khai thác càng nhiều thì chất thải càng tăng. Trên cơ sở phân tích đó cho chúng ta nhận xét về mối quan hệ giữa môi trường và phát triển kinh tế. Hệ thống kinh tế lấy tài nguyên (R) từ hệ thống môi trường càng nhiều thì chất thải (W) từ hệ thống kinh tế đưa vào môi trường càng lớn. R = W = WR + WP + WC.
Cũng từ phân tích trên, có thể thấy, không chỉ có các doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp khai thác tài nguyên và doanh nghiệp biến đổi tài nguyên) do động cơ lợi nhuận thúc đẩy, nên gây ra ô nhiễm môi trường, mà cả các cá nhân người tiêu dùng cũng đang gây ra ô nhiễm môi trường thông qua quá trình tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ của mình. Trong quá trình này, các cá nhân người tiêu dùng không hề nghĩ đến lỗ hay lãi (lợi nhuận), vì vậy lợi nhuận không phải là nguyên nhân làm cho người ta gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự, một số đơn vị Nhà nước sản xuất hoặc tiêu dùng các hàng hoá công cộng đôi khi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà không hề bị thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận. Ví dụ như hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hay việc bắn pháo hoa của các quốc gia vào những dịp quan trọng,… Như vậy, động cơ lợi nhuận bản thân nó không phải là nguyên nhân chính gây ra sự suy thoái, ô nhiễm môi trường.
Mối liên hệ tương tác giữa kinh tế và môi trường bằng đường cong Kuznets. Ở một góc độ nghiên cứu khác, đường cong Kuznets cũng thường được sử dụng để mô tả mối liên hệ giữa kinh tế và môi trường. Cụ thể trục tung (Eviromential Damage) đo lường các tổn thất về môi trường, còn trục hoành (GDP-Gross Domestic Product/Capita) biểu thị thu nhập bình quân đầu người.
Dưới góc độ người tiêu dùng:
Ở mức thu nhập thấp, các cá nhân thường có xu hướng sử dụng khoản thu nhập eo hẹp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của mình. Do đó, việc giảm nhẹ ô nhiễm khó có thể thực hiện được; Khi mức thu nhập đạt đến mức độ nhất định, thiệt hại môi trường gia tăng nhưng với tốc độ thấp hơn bởi các cá nhân bắt đầu cân nhắc lựa chọn giữa chất lượng môi trường và tiêu dùng;
Khi mức thu nhập đến ngưỡng chuyển đổi, mỗi cá nhân đều mong muốn cải thiện chất lượng môi trường bằng việc họ sẽ chi tiêu cho việc xử lý chất thải nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm, dịch vụ “xanh” (thân thiện với môi trường). Khi đó chất lượng môi trường bắt đầu được cải thiện cùng với sự tăng trưởng kinh tế.
Dưới góc độ doanh nghiệp:
Giai đoạn 1: Khi các nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng đủ, xã hội tập trung nguồn tài nguyên cho các lĩnh vực sơ cấp (khai thác, nông nghiệp) để làm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng.
Giai đoạn 2: Các nhu cầu cơ bản được đáp ứng, nguồn tài nguyên được chuyển sang cho các lĩnh vực thứ cấp (sản xuất). Khi đó việc tiêu thụ nhiều hơn hướng đến các sản phẩm tiêu dùng.
Giai đoạn 3: Xã hội chuyển từ lĩnh vực thứ cấp sang lĩnh vực cao cấp hơn - dịch vụ có đặc trưng là mức độ ô nhiễm rất thấp.
Tóm lại
Chức năng cơ bản của bất kỳ một hệ thống kinh tế nào như sản xuất, phân phối và tiêu thụ cũng đều diễn ra trong lòng thế giới tự nhiên. Giữa kinh tế và môi trường luôn luôn có sự tác động qua lại với nhau. Sự tác động đó là thuận chiều hay ngược chiều hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên. Và một lần nữa tái khẳng định thông điệp mở rộng về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường./.
Tài liệu tham khảo
1. Bản tin Kinh tế - xã hội, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
2. Hoàng Xuân Cơ (2015), Kinh tế môi trường, NXB Giáo dục;
3. Nguyễn Xuân Phúc, Trích bài phát biểu tổng kết Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 31/12/2019;
4. Nguyễn Thế Chinh (2013), Kinh tế và quản lý môi trường, NXB Giáo dục.