Phát triển kinh tế bền vững theo hướng chuyên ngư

Phú Tân là xã ven biển của huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, xác định phát triển kinh tế theo hướng chuyên về ngư nghiệp mà nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là lợi thế địa phương. Đây cũng là xã chuyên ngư duy nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.
1e2924cee4ad70dc09eddabfc61ba031-1636855382.jpeg
Nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm theo mô hình tôm – lúa. Ảnh minh hoạ.

Phú Tân là xã ven biển của huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Với ba mặt bị sông biển, phía Đông giáp biển Đông, phía bắc là sông Cửa Tiểu, phía nam là sông Cửa Đại, xã có nhiều ao đầm và mạng lưới kênh rạch chằng chịt nên Phú Tân xác định phát triển kinh tế theo hướng chuyên về ngư nghiệp mà nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là lợi thế địa phương. Đây cũng là xã chuyên ngư duy nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Phát triển kinh tế thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu đã giúp Phú Tân từ khó khăn trở thành điểm sáng về kinh tế - xã hội miền biển của Tiền Giang. Bí thư Đảng ủy Phú Tân Nguyễn Trung Hòa cho biết, xã có tổng diện tích tự nhiên gần 12.400 ha; trong đó, chủ yếu nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Còn lại đất trồng trọt khác chưa đầy 200 ha, gồm 4 ấp là: Bà Từ, Phú Hữu, Pháo Đài và Cồn Cống với hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống.

Trước đây, người dân địa phương nuôi thủy sản theo kiểu tự phát, hiệu quả thấp. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, hàng năm hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra gây nhiều thiệt hại, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi xã định hướng xã chuyên ngư, được nhà nước quan tâm quy hoạch vùng kết hợp kiện toàn mạng lưới kênh mương thủy lợi nhằm mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư vốn liếng, khoa học công nghệ cải tạo ao đầm, nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả kinh tế cao; giúp tăng thu nhập và ổn định cuộc sống hộ dân địa bàn khó khăn, đổi thay diện mạo nông nghiệp – nông thôn miền đất mặn.

Cùng với xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tập trung lớn, Phú Tân chú trọng đa dạng hóa các mô hình nuôi phù hợp với đặc thù địa phương, hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn nông sản chất lượng tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Ước tính, diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt gần 500 ha, trên 3.500 ha nuôi quảng canh cải tiến; trong đó có khoảng 500 ha thâm canh theo mô hình một vụ tôm – một vụ lúa (tôm – lúa) thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Ngoài ra, địa phương còn đưa gần 2.000 ha mặt nước bãi bồi ven cửa Đại và cửa Tiểu, ven biển vào nuôi nghêu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ cùng các đối tượng thủy sản có giá trị khác. Chẳng hạn như, Cồn Ngang có bãi nghêu, sò huyết giống tự nhiên lớn, không chỉ cung ứng nguồn con giống phục vụ nhu cầu nuôi nghêu, sò ven biển Tiền Giang và một số tỉnh Nam bộ mà còn có tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã chuyên ngư theo hướng đa dạng hóa cơ cấu sản xuất và ngành nghề, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Năm 2020, Phú Tân đạt sản lượng thủy sản 13.630 tấn, đạt 102,5% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 9,27% so năm trước. Còn từ đầu năm đến nay, mặc dù thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng địa phương đạt sản lượng thủy sàn trên 13.300 tấn, đạt 99,4% so chỉ tiêu được giao năm 2021.

Nông dân Đặng Văn Hà, cư ngụ tại Cồn Cống - ấp giáp biển Đông của xã Phú Tân nhờ áp dụng thành công mô hình nuôi tôm sú quảng canh đã tạo dựng cơ nghiệp. Ông Hà cho biết, gia đình ông có 13 ha mặt nước đưa vào nuôi tôm sú quảng canh. Hàng năm, ông tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi do các ngành hữu quan tổ chức áp dụng vào sản xuất.

Đó là xử lý tốt ao đầm, chọn con giống sạch bệnh và thả nuôi theo lịch thời vụ do tỉnh đưa ra. Mô hình phù hợp với điều kiện đất đai nhiễm mặn vừa mang lại hiệu quả, tôm nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh, chất lượng đồng đều. Ngoài tôm sú, ông còn thu hoạch thêm các loại thủy sản khác như tôm bạc đất, cá chẻm, cá đối, cua biển,…trong ao.

Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi mỗi năm khoảng nửa tỷ đồng. Hiện nay, ấp Cồn Cống là địa bàn trọng điểm về nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm theo mô hình tôm – lúa của xã Phú Tân và huyện Tân Phú Đông.

Hay như nông dân Phạm Văn Minh, cư ngụ tại ấp Phú Hữu chọn mô hình tôm – lúa dựng nghiệp trên miền đất mặn. Gia đình ông canh tác 3,5 ha và trước đây, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, năng suất bấp bênh chỉ đạt 35 tạ/ha. Gần đây, được các ngành hữu quan chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo mô hình tôm – lúa, được trợ vốn ưu đãi mở ra cơ hội chuyển đổi sản xuất làm giàu, ông Minh đã thay đổi mùa vụ và áp dụng mô hình 1 vụ tôm – 1 vụ lúa/năm.

Theo đó, vào mùa mưa, có nước ngọt đảm bảo sản xuất thì ông trồng lúa với các giống chịu mặn, chất lượng cao. Sau vụ lúa tiếp tục cải tạo đất, gia cố đê bao chuyển sang nuôi tôm theo mô hình quảng canh cải tiến. Ông Phạm Văn Minh tính toán, với mô hình tôm – lúa, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng lúa một vụ bấp bênh trước đây.

Phần thưởng xứng đáng cho người nông dân nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội làm giàu là liên tiếp trong các năm qua, ông Phạm Văn Minh đều được công nhận nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.

Nhờ khai thác tốt tiềm năng nuôi thủy sản, xã Phú Tân đã nâng thu nhập bình quân đầu người lên 35 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,6%. Trong 5 năm tới (2021 - 2025), địa phương phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên gấp đôi hiện nay, đạt 70 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 4% và ra mắt thành công xã nông thôn mới vào năm 2025.

Để đạt mục tiêu trên, địa phương đa dạng hóa các mô hình nuôi thủy sản đồng thời khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa. Xã quy hoạch những vùng nuôi chuyên biệt tôm công nghệ cao, quảng canh cải tiến, lúa – tôm, nhân rộng các mô hình ương dưỡng và cung cấp con giống chất lượng tạo hậu cần cho nghề nuôi thủy sản…

Mặt khác, Phú Tân nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao từ 2 – 3 giai đoạn lên diện tích khoảng 30 ha. Đây là mô hình cho năng suất rất cao đang được đưa vào nuôi thực nghiệm tại địa phương. Bí thư Đảng ủy Phú Tân Nguyễn Trung Hòa đánh giá, đây là mô hình mới được khuyến khích phát triển nhằm nâng chất lượng nghề nuôi tôm xuất khẩu đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, Phú Tân cũng củng cố, nâng chất Hợp tác xã thủy sản Phú Tân nhằm xác lập quan hệ sản xuất mới trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; tiến tới quản lý tốt và khai thác nguồn nghêu, sò giống tự nhiên phục vụ ngành nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu; gắn phát triển nuôi trồng thủy sản với mở mang du lịch sinh thái biển ở hạ lưu sông Tiền.

Về trồng trọt, Phú Tân khôi phục và phát triền các cây trồng đặc sản phù hợp thổ nhưỡng địa phương đã khẳng định giá trị trên thị trường lâu nay dưa hấu, khoai lang, mãng cầu ta, cây thuốc cá… trên diện tích khoảng 120 ha; đồng thời, áp dụng tiêu chí GAP trong thâm canh, cho ra nông sản an toàn và truy xuất nguồn gốc.

Phát huy tiềm năng và thế mạnh nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh thích ứng biến đổi khí hậu thay vì một vụ lúa hứa hẹn mở ra một tương lai sáng cho miền đất khó Phú Tân hôm nay./.