Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ năm 2019 và được đánh giá là một trong những hiệp định tự do thế hệ mới mang lại nhiều hiệu quả cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Riêng năm 2022, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021.
Đối với các thị trường mà Việt Nam mới có FTA như Canada, Mexico đều tăng trưởng xuất khẩu rất cao qua từng năm với con số tăng từ 12-30%. Ngoài ra, thặng dư trong trao đổi thương mại với các nước Canada, Mexico, Peru năm 2022 đạt đến 11 tỷ USD, chiếm 95% tổng thặng dư thương mại của Việt Nam với thế giới.
Bên cạnh thuận lợi mà hiệp định mang lại, theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cũng đang phải đối diện với những rào cản phi thuế quan ngặt nghèo, trong đó có việc siết chặt tiêu chuẩn về môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cụ thể, trong Hiệp định CPTPP có một chương riêng quy định về môi trường và phát triển bền vững là Chương 20 về môi trường, quy định rõ từ điều 20.1 đến điều 20.23. Trong các quy định này, các nước CPTPP nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 3 điều ước quốc tế về môi trường lớn của thế giới cũng như cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.
Vì vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia chuỗi cung ứng thì phải tuân thủ các quy định của các đối tác và các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là đối với các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Do đó, để đáp ứng các tiêu chí về phát triển bên vững, các doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt phải đầu tư rất nhiều về hệ thống nước thải, công nghệ, tiêu chuẩn đối với người lao động cũng như về môi trường. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập trung hướng tới chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ giải quyết được bài toán về tiết giảm chi phí quản lý, nâng cao năng lực nội tại cũng như minh bạch hoá được hệ thống chuỗi cung ứng để khách hàng có thể tiếp cận được một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên, ngoài việc tự thân phải thay đổi, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước bằng những chính sách hỗ trợ. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và tập trung đầu tư vào con người.