Phát huy lợi thế tham gia thị trường dược liệu toàn cầu

Với nguồn tài nguyên thực vật đa dạng cùng nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, Việt Nam đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng...

Theo thống kê, với khoảng 5.117 loài cây dược liệu Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cho con người, như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm… Việt Nam là 1 trong 15 nước trên thế giới có trong bản đồ dược liệu.

Thời gian qua, ngành công nghiệp dược Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 46,7% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng. Ngành dược trong nước đã sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị như: Thuốc tim mạch, thuốc ung thư, thuốc điều trị gan... Thuốc sản xuất trong nước phủ được 27/27 nhóm tác dụng dược lý.

Theo dự báo của các đơn vị, tổ chức quốc tế, đến năm 2030, thị trường dược liệu toàn cầu sẽ đạt mức 400 tỷ USD. Việt Nam cũng đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Tuy nhiên, để Việt Nam tham gia được thị trường dược liệu toàn cầu, cần đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng, phải đầu tư về khoa học, công nghệ, giống, vốn để phát triển được nguồn dược liệu năng suất và chất lượng cao, từ đó cạnh tranh được trên thị trường.

vb-1683376781.jpg
Với lợi thế về nguồn tài nguyên dược liệu, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp để sẵn sàng tham gia thị trường dược liệu toàn cầu.

Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó không thể thiếu là hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước. Trong bối cảnh hiện nay, để tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu, việc đầu tư khoa học công nghệ, giống, vốn, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu là yêu cầu quan trọng.

Theo đó, ngành kinh tế dược liệu nước ta phải phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu, kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu). Đồng thời khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia phát triển dược liệu. Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu gồm thuốc, hóa mỹ phẩm, nước hoa, hương liệu, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng y học...

Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường; chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc-xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được…

Bộ Y tế đã tham mưu đề xuất thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp để Việt Nam tham gia thị trường thảo dược toàn cầu. Bao gồm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu. Xây dựng vùng trồng dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng và thu hái cây thuốc (GACP-WHO), dược liệu hữu cơ (organic), đảm bảo dược liệu đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng theo dược điển (giới hạn vi sinh vật, giới hạn thuốc bảo vệ thực vật...). Từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung có quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

che-1683376802.jpg
Ngành công nghiệp dược, dược liệu cần được đầu tư để nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: BQN.

Giải pháp hỗ trợ, đầu tư hình thành vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế, gắn với truy xuất nguồn gốc, chất lượng và mã số vùng trồng; đầu tư nghiên cứu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ dược liệu gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm cho thảo dược. Đồng thời đầu tư nghiên cứu, phân tích thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế và xây dựng thương hiệu dược liệu Việt trên trường quốc tế.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BYT hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về giống, vốn, khoa học công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển dược liệu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 21.000 loại thảo dược đang được các dân tộc trên thế giới sử dụng làm thuốc; ước có khoảng 1/4 đơn thuốc là thuốc có nguồn gốc từ thảo dược. Tại Việt , nhiều thuốc từ dược liệu đang được các đơn vị sản xuất đầu tư công nghệ cập nhật tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất đông dược, đa dạng các dạng bào chế, xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp các bộ, ngành như: Bộ NN&PTNT, TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Tài chính và chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu khâu nuôi trồng, sơ chế biến, sản xuất, phân phối và sử dụng. Tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đặc biệt ưu đãi trong đầu tư để thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư theo chuỗi giá trị nhằm hình thành các vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn đạt chuẩn quốc tế về chất lượng theo yêu cầu của EU, Mỹ, Nhật… để tham gia thị trường thảo dược toàn cầu.