Việc phát triển cây dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong bối cảnh được Nhà nước hỗ trợ về vốn vay, giống, kỹ thuật canh tác… là điều hết sức thuận lợi, tạo thêm sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, trước hết cần có đánh giá cụ thể về tính thích hợp của từng vùng miền đối với những loại cây dược liệu cụ thể, từ đó có sự định hướng cho người dân và doanh nghiệp tham gia trồng cây dược liệu.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo đầu ra cho các cây dược liệu cần được quan tâm và mục tiêu phải hướng đến thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế của cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển cây dược liệu ở các địa phương là rất lớn, nguồn lao động là bà con dân tộc thiểu số rất dồi dào, diện tích đất canh tác còn nhiều để phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là thị trường tiêu thụ ổn định để thật sự đem lại sinh kế cho người dân. Do đó, các cơ quan, ban ngành được giao nhiệm vụ triển khai, phát triển trồng cây dược liệu cần nghiên cứu, tính toán vấn đề phát triển công nghiệp chế biến dược liệu sau thu hoạch và hỗ trợ tiềm kiếm thị trường tiêu thụ cho người trồng.
Theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), mục tiêu đặt ra về phát triển vùng dược liệu quý là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Các dự án phát triển dược liệu quý tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số, do các tổ chức kinh tế và cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và được cam kết hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh cho biết, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Cụ thể, tại giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025. Nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm thực hiện theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.
Theo PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, đây là lần đầu tiên phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư để nhằm phát triển tiềm năng lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án sẽ đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc tiểu dự án; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Đây là một quyết sách mang tính chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn phát triển dược liệu với sinh kế của người dân. Hiện các ngành đang hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để kịp thời lựa chọn chuỗi giá trị dược liệu, chủ trì liên kết triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu của dự án trong giai đoạn 2021 - 2025”, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh chia sẻ.
Được biết, tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án. Với các nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm....
Hằng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.0000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 11.32%.
Có thể thấy, nước ta có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số niền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà.
Trong đó Sâm và dược liệu quý được xác định là đối tượng có nhiều tiềm năng và lợi thế của các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ lựa chọn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế đề nghị các địa phương được lựa chọn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý tích cực, chủ động, phối hợp tốt hơn với Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để kịp thời lựa chọn chuỗi giá trị dược liệu, chủ trì liên kết triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.