Từng nổi tiếng và vô cùng giàu có, những nhân vật này là tấm gương sáng, niềm cảm hứng lao động bất tận cho thế hệ sau. Họ có thể không có xuất phát điểm đủ đầy như bao người nhưng thành công thì không kém bất kỳ ai.
Không chỉ giàu có ở mặt tài sản vật chất, họ cũng có một tấm lòng giàu. Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà, doanh nhân Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền... là những nhân vật điển hình, luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đất nước khi cần.
Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà - Ông tổ nghề sơn
Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà sinh ra trong một gia đình có 7 người con. Trong một lần có cơ hội làm việc cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu tại Hải Phòng, ông nuôi nấng ý định rằng một ngày nào đó sẽ tạo hãng sơn của riêng mình, riêng người Việt. Đến năm 1917, sau khi đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm ông bắt bầu thực hiện giấc mộng của mình.
Ban đầu, tỷ phú Nguyễn Sơn Hà chỉ mở dịch vụ quét sơn, quét vôi ve nhà cửa, kẻ biển... Dần dần, ông chế tạo thêm sơn bằng các nhiên liệu có sẵn trong nước như nhựa thông, dầu cây thầu dầu... Sơn của ông lấy tên là Resistanco (tiếng Pháp: bền chặt) được buôn bán rộng rãi không chỉ trong nước mà cả các quốc gia lân cận như Ai Lao, Xiêm, Cao Miên... Sản phẩm thành công đến mức ông lập một hãng sơn riêng và lấy tên là Gecko.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình, ông Nguyễn Sơn Hà cũng có những đóng góp ý nghĩa cho đất nước lúc bấy giờ. Ông tích cực tham gia đóng góp cũng như vận động nhiều người tham gia đóng góp trong “Tuần lễ vàng”.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô - thương nhân ngành dệt giàu có bậc nhất Hà thành
Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ là chủ của một cửa hàng buôn vải sợi Phúc Lợi tại Hàng Ngang. Ông được xem như một trong những doanh nhân giàu có bậc nhất Hà thành vào những năm 1940. Bạn hàng của ông có mặt khắp các quốc gia thuộc khu vực Đông Dương. Chưa kể, ông còn kinh doanh bất động sản và sở hữu thêm một nhà máy dệt.
Ngoài việc nổi tiếng trên thương trường, người ta còn biết đến ông Trịnh Văn Bô qua những đóng góp của ông cho đất nước.
Doanh nhân Trương Văn Bền - “Cha đẻ” hãng xà bông Cô Ba
Ông Trương Văn Bền sinh ra trong một gia đình giàu có tại Chợ Lớn (Sài Gòn). Có vẻ như chính vì môi trường sống là nơi giao thương nên tố chất kinh doanh có trong con người ông một cách vô cùng tự nhiên.
Từng được bổ nhiệm chức Ký lục thượng thư vậy nhưng đến 1901, ông từ bỏ không tiếp tục làm cho chính quyền Pháp mà đi theo con đường buôn bán. Ban đầu, ông có một cửa tiệm nhỏ nằm tại số 40 rue du Cambodge (Chợ Lớn) bán lạc, đậu xanh, đường nhưng sau ông mở rộng quy mô hơn bằng cách nhập hàng sỉ từ người Hoa và phân phối cho các tiệm bán lẻ ở khu vực Chợ Lớn.
Doanh nhân Trương Văn Bền từng kinh doanh nhiều mặt hàng nhưng nổi bật nhất phải kể đến vẫn là xà bông Cô Ba. Chất lượng hàng hóa tốt nhưng giá cả phải chăng chính là những yếu tố chủ chốt khiến cho nhãn hàng này được mọi người biết đến và sử dụng một cách rộng rãi. Thậm chí, xà bông Cô Ba từng được xuất qua Hương Cảng, Châu Phi, Tân Đảo.
“Vua sông biển Đông Dương” Bạch Thái Bưởi
Xuất phát điểm của Bạch Thái Bưởi không sung túc như nhiều người. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng An Phúc (Hà Đông). Cha mất sớm, Bạch Thái Bưởi phải bán hàng rong để phụ giúp mẹ. Trong quá trình đó, sự lanh lợi, thông minh của ông đã thu hút được một nhà phú hào họ Bạch và người này muốn nhận ông làm con nuôi. Nhờ vậy, Bạch Thái Bưởi được đi học chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp.
Bạch Thái Bưởi từng làm việc cho hãng buôn của người Pháp, hãng thầu công chánh. Những trải nghiệm này giúp ông học cách tổ chức, quản lý sản xuất, tiếp xúc với máy móc thiết bị...
Đến năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước chân vào lĩnh vực vận tải đường sông. Đây cũng là lúc mà ông vươn đến đỉnh cao mới trong sự nghiệp của mình. Bạch Thái Bưởi nhanh chóng trở thành một trong bốn người giàu có, lừng lẫy nhất thời bấy giờ. Chỉ trong 10 năm, công ty vận tải của ông đã có 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều sà lan chạy khắp tuyến sông miền Bắc thậm chí là các khu vực như Hong Kong, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc…./.