Nuôi cua trong hộp nhựa hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản

Nuôi cua trong hộp nhựa là mô hình chăn nuôi mới nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội như: không cần nhiều diện tích, tăng tỷ lệ sống, kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế ảnh hưởng biến đổi thời tiết khí hậu, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được nhiều hộ chăn nuôi tại Hà Tĩnh áp dụng.
z4567938103335-11eaa72b9e839a8060aefcaef7cee690-1723471759.jpg
Nuôi cua trong hộp nhựa, hướng đi mới của người nuôi trồng thủy sản.

Chuyển đổi hình thức chăn nuôi

Cua biển là loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, được sử dụng phổ biến, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nên rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài việc khai thác từ tự nhiên, từ lâu, cua biển đã được đưa vào nuôi tại các ao đầm  mặt nước ở các địa phương ven biển.

Tại Hà Tĩnh nghề nuôi cua biển tập trung chủ yếu ở vùng ven biển như: huyện Nghi Xuân, huyện Lộc Hà, huyện Thạch Hà, huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh… với hình thức chủ yếu nuôi cua con thành cua thương phẩm trong các ao đầm, nuôi xen canh cua với cá hay cua với tôm.

Những mô hình này tuy kỹ thuật nuôi đơn giản, nguồn cua giống là cua con hiện được mua từ các trại sản xuất hoặc đánh bắt từ tự nhiên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế như năng suất thấp, cần diện tích lớn, không chủ động thời điểm thu hoạch nên giá bán cũng không ổn định.

1000hopcua-1723471838.jpg
Nhiều người nuôi cua biển tại Hà Tĩnh chuyển từ cách nuôi truyền thống sang nuôi trong hộp nhựa.

Nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình nuôi cua biển truyền thống, những năm gần đây, mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa đã được một số chủ cơ sở, hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh mạnh dạn áp dụng, bước đầu cho kết quả tích cực, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản.

Sau nhiều năm nuôi cua theo hình thức quảng canh, nhận thấy nhiều rủi ro khi khó quản lý chăm sóc, dịch bệnh thường xảy ra. Qua nghiên cứu, tìm hiểu nhiều nơi, cuối năm 2022, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng (xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh) đã chi hơn 1 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng với 1.000 hộp nhựa để nuôi cua trong hộp nhựa bằng công nghệ lọc nước tuần hoàn.

Với mô hình này, mỗi hộp nhựa được thả nuôi một con để cua không cắn nhau, các hộp nhựa được xếp chồng lên nhau để giảm diện tích và được đánh số thứ tự để có thể kiểm soát các thông số ngày nuôi, trọng lượng cua thả nuôi, thức ăn và kỹ thuật trong quá trình chăm sóc cua đến khi thu hoạch. 

Thành công bước đầu của mô hình đã tạo điều kiện để nhiều người dân trong tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm, đặt hàng các thiết bị, con giống để tham gia nuôi trồng. Đặc biệt đầu tháng 2/2024, HTX đã ký hợp đồng liên kết với 10 hộ dân trên địa bàn xã Thạch Hạ ươm giống cua khoảng 10 ha. Các hộ dân liên kết được cung cấp toàn bộ con giống đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và khi cua đạt kích cỡ 180 - 200 gam/con, HTX sẽ thu mua để nuôi trong hộp nhựa.

khuyennongthamquan-1723471843.jpg
Mô hình chăn nuôi mới này vừa mang lại hiệu của cao cho người chăn nuôi.

Là người có nhiều năm cuôi cua trong ao, chị Phan Thị Lý (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) nhận thấy nhiều khó khăn gặp phải khi cua nuôi ao, đầm như: tỷ lệ sống thấp, khó quản lý, nhiều vụ có thể nói mất trắng do dịch bệnh. Nhưng khi tìm hiểu về mô hình nuôi cua trong hộp nhựa mang lại nhiều lợi ích nên đầu năm 2023, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư hơn 500 triệu đồng để nuôi cua trong hộp nhựa. Nhờ phương pháp nuôi cua mới lạ, chất lượng nên dù được thu mua với giá cao nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho khách. 

Chị Lý chia sẻ: Nuôi cua mang lại hiệu quả kinh tế khá, tuy nhiên vì nuôi trong môi trường tự nhiên nên khó kiểm soát dịch bệnh, chế độ ăn dẫn đến tỷ lệ con giống hao hụt. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi cua trong hộp nhựa mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro nên chúng tôi vay vốn đầu tư để làm mô hình.

Sau 2 năm thử sức với mô hình này, chị đã khẳng định hiệu quả kinh tế mang lại khá rõ. Với hệ thống nhà xưởng rộng 600m2 chị đầu tư 300 hộp nhựa, máy bơm nước, máy diệt khuẩn, xây các bể lắng lọc, rất bài bản.

Lợi ích kép

z4567937959802-9abda9ba3117d4653ad4453ef609b725-1723471829.jpg
Vừa bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của các hộ nuôi, khi áp dụng hình thức nuôi này, mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi. Khi nuôi cua trong nhà, sẽ ít bị tác động bởi diễn biến thời tiết và môi trường xung quanh nên có thể nuôi quanh năm, người nuôi có thu nhập ổn định. Vấn đề ô nhiễm môi trường hoàn toàn được hạn chế vì nguồn nước dùng nuôi cua được lọc tuần hoàn và tái sử dụng đến 99%, nước thải ra môi trường không đáng kể và đã được xử lý.

Chị Lý chia sẻ thêm: Khi nuôi cua trong hộp nhựa, việc cho ăn khá mất nhiều thời gian. Tuy vất vả hơn một chút nhưng bù lại phương pháp này giúp cua đạt tỷ lệ  sống cao hơn 90% (tăng 40% so với phương pháp truyền thống). Ngoài ra, chúng tôi chủ động được thức ăn, nguồn nước đưa vào và theo dõi tình trạng cua hàng ngày. Dễ dàng phát hiện nhanh bệnh và xử lý kịp thời tránh tình trạng mất trắng.

Để chủ động sản phẩm cua cung cấp cho thị trường ở nhiều thời điểm khác nhau, HTX Hạ Vàng đã thả giống theo hình thức gối vụ, mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 300 - 500 con. Xét về hiệu quả kinh tế,  tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi thấp, nên bình quân mỗi lứa cua nuôi trong hộp nhựa 1 tháng sẽ đưa về doanh thu 200 triệu đồng.

Hiện nay, các sản phẩm cua được bán với giá  650.000 - 750.000 đồng/kg cua lột và  450 - 550.000 đồng/kg cua thịt.

z4567938312074-f936cfd570860e94ef0267ea9a024b04-1723471805.jpg
Con cua nuôi trong hộp nhựa giúp người chăn nuôi chủ động trong cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Chị Lý chia sẻ: Từ cung cấp các sản phẩm như cua  thịt, cua gạch thì hiện nay, trang trại chủ yếu cung cấp sản phẩm cua lột vì loại cua này hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể chế biến được nhiều món ăn nên rất được thị trường ưa chuộng. Cua lột được các nhà hàng mua với giá cao nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng". Theo tính toán, cứ 500 con bán ra thị trường được 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn bỏ túi hơn 70 triệu đồng.

Theo người chăn nuôi, nuôi cua trong hộp nhựa quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo đủ độ pH, độ mặn và nhiệt độ môi trường nước phù hợp, dao động từ 25 - 30 độ C. Bởi vậy, hằng ngày, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, đo các chỉ số để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo điều kiện sống cho cua.

Theo chu kỳ, cứ 15 ngày cua lột một lần, mỗi lần lột sẽ tăng trọng lượng 50g-100g/lần. Sau 2 tháng nuôi, cua thương phẩm đạt trọng lượng từ 300g - 400g/con là đạt tiêu chuẩn và tiến hành bán ra thị trường.

Anh Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng chia sẻ: Khi nuôi cua trong trong hộp nhựa, chi phí lớn nhất để thực hiện mô hình này là đầu tư hệ thống bể bê tông, cùng với máy móc, thiết bị để lọc tuần hoàn, làm sạch nước cung cấp cho quá trình nuôi cua trong hộp nhựa. Cách nuôi này có nhiều ưu điểm: không cần lượng nước nhiều, việc sục khí tạo oxi giúp cua có tỷ lệ sống cao. Khi đưa nước vào hộp thì thức ăn thừa và chất cặn bẩn sẽ thải ra và qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng hệ thống tia UV nên không gây ô nhiễm môi trường.

z4567930467458-44140714cd6140f533ee36578961a3c6-1723471786.jpg
Sản phẩm cua lột được bán với giá cao, thị trường ưa chuộng vì hàm lượng dinh dưỡng cao.

Hiện nay, hình thức nuôi cua trong hộp nhựa không chỉ áp dụng hệ thống lọc tuần hoàn nuôi trong nhà mà nuôi trong hộp nhựa trên ao cũng được một số hộ dân ở một số địa phương như huyện Kỳ Anh, huyện Lộc Hà và Thành phố Hà Tĩnh triển khai thực hiện, mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

Với  hiệu quả từ những mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của một số hộ dân các địa phương trong tỉnh đã mở ra hướng đi mới, một phương thức sản xuất hiện đại và an toàn để cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu trên chính quê hương./.

Nguyễn Duyên