Làm báo ngoài đam mê, tâm huyết mà còn phải đổi mới chính mình
Đang là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn của Trường THPT Năng khiếu Thái Nguyên, do đâu chị lại có ý định làm thơ, viết văn và rẽ ngang sang nghề báo?
Mỗi nghề đều có một ý nghĩa trong sự lựa chọn của mỗi người. Tôi thích nghề báo, nhưng lại khổ vì nghiệp văn. Và tôi hài lòng với sự sướng khổ này. Làm báo là một nghề không chỉ đòi hỏi sự đam mê, tâm huyết, năng khiếu mà còn là một nghề sáng tạo, luôn phải đổi mới chính mình. Văn chương cũng vậy. Khi đã có sự đam mê, có ước mơ - không chỉ riêng tôi, mà bất kỳ ai cũng vậy, đều phải có những quyết tâm để đạt được những mơ ước chính đáng của mình.
Những năm trước, chị từng có những loạt bài điều tra, phóng sự xã hội, ký chân dung nhân vật với bút danh Hương Trà, từng được giải thưởng báo chí, gây được tiếng vang trong dư luận và được đồng nghiệp đánh giá cao. Cá nhân chị, với hơn 30 trong nghề, làm báo bây giờ có khó không, đặc biệt là thể loại điều tra?
Trong một tờ báo, theo tôi nghĩ, phóng sự điều tra là thể loại chính luận, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của tờ báo. Nhưng viết phóng sự điều tra không phải dễ. Người viết giỏi chưa đủ, mà còn phải được sự ủng hộ của cơ quan báo chí. Mặt khác, nó còn đòi hỏi cái tâm, cái tầm và sức khỏe, trí tuệ, sự dũng cảm của nhà báo.
Nhà báo không được bảo vệ, là một thực tế đau xót
Nhưng để công việc của người viết báo hiệu quả, cá nhân chị nhìn nhận nhà báo cần phải trang bị những gì...?
Để công việc thực sự có hiệu quả thì nhà báo phải tự trang bị cho mình một tri thức toàn diện và dám đối diện với những thách thức, khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc một cách thực sự, khi nhà báo dám dấn thân. Hiện tượng nhà báo không được bảo vệ, là một thực tế đau xót và khó chấp nhận được trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, đã có những nhà báo – đã không chịu được sự cám dỗ của vật chất và sa ngã, cũng gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội. Hai vấn đề nhức nhối đó, chúng ta đang gặp. Giải quyết và hạn chế được sự bất cập đó ra sao, đó không chỉ là công việc của cá nhân, mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Làm điều tra, viết phóng sự bây giờ, dễ vì cả xã hội không đồng tình với cái xấu, cái tiêu cực, dễ vì nhân dân đã có quyền đứng lên, một cách quang minh chính đại để chỉ ra từng cá nhân đã vi phạm pháp luật.
Nhà báo đủ tâm và đủ tầm, mọi điều sẽ trở nên giản đơn hơn nhiều
Nhân dân luôn ủng hộ và tạo điều kiện và bảo vệ cho nhà báo chân chính nhập cuộc. Và pháp luật cũng đã bảo vệ nhà báo khi họ tác nghiệp. Nhưng rất tiếc, không phải lúc nào nhà báo cũng an toàn. Mặc dù, pháp luật đã có những điều khoản quy định, bảo vệ. Một điều trở ngại hơn, là nhà báo phải biết đặt mình gắn với lợi ích của nhân dân. Biết bỏ qua sự cám dỗ của đồng tiền để không bẻ cong ngòi bút, và không được phép làm công cụ cho một tổ chức cá nhân nào vi phạm pháp luật. Theo tôi, khi nhà báo đã đủ tâm và đủ tầm, mọi điều sẽ trở nên giản đơn hơn nhiều.
Là nhà phê bình văn học, theo chị vai trò của người viết phê bình - làm báo trong bối cảnh hiện nay?
Điều đáng mừng là hiện nay, hầu hết cả báo chuyên viết về văn nghệ cũng như không chuyên, chuyên mục văn nghệ đã được nhìn nhận lại một cách đúng mức nhất. Ngoài những bài sáng tác, thì phê bình đã là một thể loại văn học “khó nhằn” nhất trong làng văn nghệ. Và chính vì vậy, chẳng ai lại muốn đi vào con đường chông gai này. Nhưng tôi thích sự công tâm, sắc sảo và đòi hỏi chính kiến của người làm công tác phê bình. Tất nhiên, khi tác phẩm in ra, không phê bình, nó vẫn cứ “sống” bình thường. Nhưng để biết rằng, nó đáng “sống” ra sao, thì rất cần nhà phê bình để tâm tới.
Độc giả có quyền thưởng thức những “món ăn” theo “gu” của mình
Không ai đánh giá được ai, nhưng nếu nhà phê bình đọc sách như một người bạn, tìm đến một người bạn thì mọi khó khăn ban đầu sẽ qua đi. Chỉ e rằng tác phẩm quá rậm rạp hoặc bí ẩn như một ngôi nhà kỳ dị, cửa đóng then cài, thì không chỉ nhà phê bình, mà công chúng văn chương cũng khó lòng vào thăm “ngôi nhà” đó được.
Nhưng, đôi khi, phê bình cũng làm nhiễu loạn thông tin, khiến công chúng hoài nghi về giá trị thực sự của tác phẩm. Quan niệm riêng của chị khi đánh giá tác phẩm nghệ thuật?
Điều đó đúng trên thực tế. Mỗi tác phẩm ra đời đều có công chúng riêng của nó. Tác phẩm nào dành cho công chúng, nó có sức sống lâu bền theo thời gian. Còn tác phẩm nào chỉ đề dành cho chính tác giả, thì chỉ để cho tác giả mà thôi. Tác phẩm như món ăn trên bàn tiệc. Độc giả có quyền thưởng thức những “món ăn” theo “gu” của mình. Nhưng chắc chắn, món ăn có thể không phải là “đặc sản” trên bàn tiệc, nhưng nó phải là món ăn sạch, không thể làm ngộ độc độc giả thì sẽ được ủng hộ và đón nhận. Còn nhà phê bình bênh vực, ủng hộ hay phê phán tác phẩm nào, cũng có lý do của riêng họ.
Nhưng xuất phát vì lý do nghệ thuật chưa đủ. Với tôi, tôi quan tâm nhiều đến những yếu tố nhân văn mà nhà văn - nhà thơ đã đề cập đến trong tác phẩm đó như thế nào. Nếu tác phẩm không đủ sức lay động, đánh thức những tình cảm tốt đẹp cao quý và thiêng liêng trong mỗi con người - tôi cho rằng tác phẩm ấy, dẫu có đổi mới cũng chưa thành công. Với người làm công tác phê bình hay viết báo, để thành công, phải có lòng yêu nghề và đi tới tận cùng của sự đam mê./.
Trân trọng cảm ơn chị!