Nhà báo, họa sỹ Tuấn Dũng sinh năm 1942 tại Hà Nội. Năm 20 tuổi ông đã từng lấy máu viết thư tình nguyện đi lính, sau đó ông công tác tại Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Năm 1966, bị thương trở về, ông được chuyển sang làm công tác họa sỹ tại các báo: Thiếu niên Tiền phong, Giao thông vận tải và sau này, ông giữ chức Phó Tổng Biên tập chí Quản lý Ngân quỹ quốc gia. Ông nghỉ hưu năm 2002.
Thành công là thế, nhưng không mấy ai biết nhà báo, họa sĩ Tuấn Dũng không hề học qua trường lớp về Mỹ thuật. Ông học vẽ ở ngoài từ 2 người thầy là Phạm Viết Song và Đình Minh là hai họa sỹ có tiếng thời bấy giờ. Nhớ lại kỷ niệm ngày xin học nghề ông kể: “Tôi nói với thầy Song, thầy cho con nghỉ vì ko có tiền, thầy Song bảo mày nghỉ tao tiếc lắm, thôi mày đi học đi tao không lấy tiền. Thế là tôi học thêm 1 năm nữa”. Với sự giúp đỡ của các thầy, đam mê hội họa trong ông được nhân lên, quá trình rèn giũa công phu đã tạo lên một nhà báo, họa sỹ Tuấn Dũng tài hoa ngày nay. Nhắc đến Họa sỹ Tuấn Dũng bạn bè đồng nghiệp đều nể phục về sức lao động và sáng tạo nghệ thuật của ông.
Nghỉ hưu năm 2002, vậy nhưng không vì thế mà ông ngơi nghỉ. Nhà báo, họa sĩ Tuấn Dũng cho biết: “Tính đến giờ, tôi nghỉ hưu được gần 12 năm, tôi đã làm được 7 cuộc triển lãm cá nhân, trong đó, 1 tại Pháp, 1 ở Đức, còn lại là trong nước”.
Đặc biệt, mỗi lần trưng bày, số lượng tác phẩm của ông lên đến hơn 100 bức tranh. Tranh của họa sỹ Tuấn Dũng không chỉ được đánh giá cao trong nước mà còn được ủng hộ mạnh mẽ từ bạn bè thế giới. Tiêu biểu như cuộc triển lãm năm 2003 “Một cuộc đời ở Việt Nam” tổ chức ở tiền sảnh thành phố Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức). Lần đầu tiên họa sỹ Việt Nam được mời trưng bày tranh ở nơi chỉ dành để triển lãm tác phẩm của những họa sỹ Hamburg. Phòng tranh trưng bày trong thời gian hơn 3 tuần, có tới 45 tác phẩm tranh sơn dầu đã được bán.
Khi này, ông đã dành 1 buổi vẽ lại lại tòa Thị chính làm quà tặng thành phố Hamberg. Ngày trao tặng tranh được Văn phòng thành phố Hamburg đón nhận với nghi lễ trang trọng nhất.
Ở tuổi ngoài 80, nhà báo, họa sĩ Tuấn Dũng vẫn miệt mài lao động, sáng tạo. Ông tâm sự “ Ngày nào không vẽ tôi chắc sẽ ốm mất”. Theo đó, sáng ngủ dậy ông tập vẫy tay 1.000 cái, sau đó, xem lại việc làm hôm trước có điều gì sai để sửa. Sau đó, ông ăn sáng. Sau bữa sáng, ông làm việc đến 11h30 rồi nghỉ tay ăn trưa. Ăn xong, nghỉ ngơi 30 phút, ông lại ngồi vã một mạch đến 16h chiều. Tiếp đó, ông tập vẫy tay 2.000 cái. “Ngày nào cũng như ngày nào, bạn bè rủ đi chơi đâu tôi cũng chối. 40 năm làm báo, mình đi khắp nơi rồi”, ông tâm sự.
Tuổi tuy cao, nhưng “ngọn lửa đam mê” hội họa trong ông vẫn luôn cháy bỏng. Cả đời ông đã dành hết trí tuệ, tâm huyết cho báo chí và hội họa. “Kho tàng tác phẩm” của ông có hàng trăm tác phẩm đẹp, ấn tượng. Trong đó, làm nên "phong cách Tuấn Dũng" đó là tranh ông vẽ chân dung những người bạn, đồng nghiệp trong giới nghệ thuật. Nhận xét về tranh chân dung của họa sỹ Tuấn Dũng, nhiều họa sỹ đánh giá ông là một trong những họa sỹ hàng đầu của Việt Nam về mảng tranh này. Tranh của ông không chỉ có màu sắc hài hòa cùng mảng khối ấn tượng mà thần thái nhân vật được khắc họa sống động như thật.
Bình luận về bức tranh “Nắng chiều” của nhà báo, họa sĩ Tuấn Dũng, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Vẫn biết khen họa sỹ Tuấn Dũng thì nhàm quá vì khen mãi rồi. Nhưng không thể không khen vì đẹp quá. Vẻ đẹp ông khắc họa cũng không có gì cao siêu vì chúng rất bình thường, ai cũng thấy cũng gặp. Nhưng chỉ có ông mới phát hiện ra vẻ đẹp của chúng và lưu chúng lại. Cái tài của họa sỹ là cách dùng màu sắc. Đặc biệt là nắm bắt hồn vía của nó. Đây là nắng chiều không phải nắng sớm. Dù thoáng trông rất gần nhau. Nắng sớm tươi và non. Nắng chiều thì nồng đượm và có phần trễ nải”.
Với đam mê hội họa, dù đã 81 tuổi, "cái tuổi xưa nay hiếm" nhưng họa sĩ Tuấn Dũng vẫn cầm cọ vẽ mỗi ngày. Với ông, đó là đam mê lớn nhất - một đam mê bất tận…