Đến nay, Đắk Nông đã phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh và ngành hàng tiềm năng. Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã được nâng cao rõ rệt về chất lượng, từng bước khẳng định vị thế trong nước và xuất khẩu. Toàn tỉnh có 1 khu nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô diện tích 120h. Ngoài ra, tỉnh đã công nhận 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC khác với quy mô 2.423ha.
Bên cạnh đó, nông nghiệp ứng dụng CNC đồng thời cũng là định hướng sản xuất bền vững, nâng cao được giá trị sản phẩm của bà con nông dân. Đi theo mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, bà con nông dân thay đổi dần thói quen sản xuất kiểu cũ, chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp hiện đại và khoa học hơn.
Nhận thấy những giá trị và tiềm năng lớn tại địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao QAM ở xã Đắk R’tih (huyện Tuy Đức) đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Bước đầu cho thấy HTX đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tiếp đến, HTX đã mở rộng diện tích, liên kết nông dân phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện tại, HTX đang liên kết với hơn 10 nông hộ sản xuất dưa lưới và dâu tây hữu cơ với diện tích hơn 2ha nhà màng. Ngoài ra, các nông hộ tham gia chuỗi sản xuất được hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác và được cam kết bao tiêu sản phẩm với giá thành cao.
Để tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ, HTX còn hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất bằng hình thức thâm canh rải vụ. Song song đó, đơn vị còn kết nối được nhiều đầu tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước với giá thành tốt. Việc sản xuất nông nghiệp CNC không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân mà ngay cả các doanh nghiệp tham gia cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường, mở rộng nguồn khách hàng.
Ông Ngô Thăng Long - Giám đốc HTX cho biết: “Các hộ nông dân liên kết với HTX được hướng dẫn quy trình theo tiêu chuẩn của HTX đề ra. Mặt khác, HTX cử nhân viên kỹ thuật theo sát hướng dẫn bà con chăm sóc vườn dưa. Nhờ đó mà nông sản đầu ra của nhà vườn luôn đạt chất lượng như HTX đã định hướng từ trước”.
Tại HTX Nông nghiệp Công bằng Thanh Thái (huyện Krông Nô), sản xuất cà phê chất lượng cao là hướng đi đã được đơn vị xác định rõ ràng từ khi mới thành lập vào năm 2017. Đến nay, HTX quy tụ 240 thành viên cùng 500ha cà phê. Trong đó, có 120ha cà phê của HTX đạt tiêu chuẩn RA (Rainforest Allliance) và có 10ha cà phê khác đang thí điểm canh tác theo hướng hữu cơ.
Đáng chú ý, HTX Nông nghiệp Công bằng Thanh Thái còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC cho các xã ở phía Tây huyện Krông Nô. Đó là 3 xã Nâm Nung, Tân Thành, Nam Xuân, với tổng diện tích canh tác cà phê khoảng 500ha.
Không chỉ là vấn đề nâng cao chất lượng, giá thành cho hạt cà phê, HTX còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC các xã phía Tây huyện Krông Nô là 3 xã Nâm Nung, Tân Thành, Nam Xuân, với diện tích khoảng 500ha.
Ông Lang Thế Thành - Giám đốc HTX cho biết: “Kể từ lúc đi vào hoạt động năm 2018 đến nay, HTX đã đồng hành cùng nhiều bà con nông dân để triển khai mô hình sản xuất cà phê sạch và sơ chế theo phương pháp Honey. Sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng là cà phê nhân xanh chất lượng với giá thành cao hơn thị trường từ 40-50%”.
Theo ông Doãn Gia Lộc - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Nô chia sẻ, trước nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường đối với chất lượng nông sản, huyện đã tăng cường hỗ trợ các HTX thực hiện sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest với diện tích trên 2.500ha. Từ đó, góp phần đưa nông nghiệp địa phương dần chuyển mình theo hướng nông nghiệp xanh, khẳng định được thương hiệu nông sản chất lượng cao.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho rằng: “Nông nghiệp ứng dụng CNC là xu hướng tiên quyết, đóng vai trò then chốt trong sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch cho từng ngành hàng thế mạnh và tiềm năng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay và trong tương lai.”./.