Nông nghiệp thông minh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để đón đầu xu thế

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà.
nong-nghiep-thong-minh-01-1706342552.jpg
Ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau sạch, rau hữu cơ đang là xu hướng trong nông nghiệp thông minh.(Ảnh minh họa)

Công nghệ mới hỗ trợ nông nghiệp thông minh

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao.

Bên cạnh đó, diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp nước ta. Giải bài toán cho các vấn đề này, theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm.

Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Bà Nguyễn Thị Đông Phương, Giám đốc Công ty Khang Hân, Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Về công nghệ tưới tiêu tự động thì trước đây với 1000m2 cây trồng phải cần đến 10 công nhân để tưới phun hàng ngày, tuy nhiên với công nghệ tưới tiêu tự động thì chỉ cần 1 người là có thể vận hành toàn bộ hệ thống với 22000m2. Về nhà màng nhà lưới với thời tiết khắc nghiệt ở Huế là công cụ rất là hữu hiệu và quan trọng trong sản xuất nông nghiệp”.

nong-nghiep-thong-minh-02-1706342585.jpg
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là những nền tảng cần thiết để hình thành nông nghiệp thông minh.(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch Hội nông dân phường Hương An, thành phố Huế nói về việc ứng dụng công nghệ cao tại địa phương đã đem lại hiệu quả cao trong nông nghiệp như ít sâu bệnh và không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Hiện nay, Hội nông dân phường Hương An đang phối hợp với Ủy ban nhân dân, Hợp tác xã nông nghiệp và phòng kinh tế khảo sát chọn vùng, chọn một số hộ hướng đến Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Nhận định về sự đóng góp của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp nước ta, nhiều chuyên gia, nhà khoa học chung nhận định, khoa học và công nghệ thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Cần đổi mới cách tiếp cận chính sách về nông nghiệp thông minh

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, với Việt Nam, rõ ràng nông nghiệp là lợi thế. Nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc… điều kiện tự nhiên của họ khắc nghiệt hơn chúng ta nhiều. Chúng ta có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nền nông nghiệp. Từ năm 2008, sau khi hội nhập, nền nông nghiệp nước ta phát triển rất nhanh. Bởi vậy, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, yếu tố đặt lên hàng đầu là hiệu quả. Hiệu quả dựa trên quy mô, công nghệ, quản trị.

Cũng theo ông Tiến, về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, chúng ta có rất nhiều. Chúng ta có chính sách tích tụ ruộng đất, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã. Chúng ta có chính sách hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị... Vấn đề đặt ra chúng ta tiếp cận chính sách như thế nào?

nong-nghiep-thong-minh-03-1706342531.jpg
Khoa học công nghệ góp phần tạo nên sự tăng trưởng phát triển của nông nghiệp nước ta.(Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm với ông Tiến, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, cần chú ý tới các xu hướng nông nghiệp hiện đại, đó là:

Thứ nhất, chúng ta đều nhìn thấy rõ xu hướng hiện tại và trong tương lại sẽ luôn luôn thời sự, đó là các sản phẩm "sạch". Để có sản phẩm sạch thì hữu cơ sẽ là yếu tố giúp sản phẩm của chúng ta tăng giá bán, vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Bên cạnh yếu tố sản xuất hữu cơ, chúng ta có thể tham gia và xây dựng sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn OCOP, đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm mà nhiều địa phương đã và đang tiếp tục xây dựng.

Thứ hai là xu hướng xuất khẩu. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp đang được xuất khẩu nhanh, nhiều như vũ bão. Mỗi khi đọc các bản tin hay xem thời sự chúng ta đều có thể nắm bắt được các thông tin về xuất khẩu nông sản. Và chỉ khi xuất khẩu thì mới có thể mang lại giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần so với bán ở thị trường nội địa.

Thứ ba là xu hướng lựa chọn những sản phẩm tinh chế áp dụng công nghệ cao.

Thứ tư, cần tiếp cận và chú trọng tới hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiện đại thông qua các hình thức phân phối logistics. Xây dựng kênh phân phối riêng để có thể chủ động hoàn toàn trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Và cuối cùng là xu hướng kết hợp yếu tố công nghệ cao vào sản xuất chế biến để tạo ra những sản phẩm đột phá. Khi đưa yếu tố công nghệ vào không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí tăng được sự cạnh tranh của sản phẩm, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng.

Điều các nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay cần nhất chính là Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp tại địa bàn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện giúp các startup khởi nghiệp thành công, tạo dựng được sản phẩm uy tín hơn nữa không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả nước ngoài.

Thêm vào đó, Nhà nước, Bộ, ngành có cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp bền vững, mang tính dài lâu để không chỉ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các vùng miền trong cả nước tiếp cận được với người tiêu dùng, mà còn nhiều loại nông sản khác của Việt Nam, đặc biệt là không chỉ người có thu nhập mua được mà cả những người lao động bình dân cũng có cơ hội tiếp cận. Muốn vậy, Chính phủ cần hỗ trợ các startup về lãi suất, nguồn vốn để giảm giá thành.

Một trong những mục tiêu lớn mà nông nghiệp Việt Nam cần hướng đến là xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, hiện đại, cạnh tranh quốc tế. Tái cơ cấu nông nghiệp cần được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, miền và lĩnh vực./.

Trọng Bình