Nông nghiệp tăng trưởng xanh quan trọng nhất là tổ chức thực hiện với quy trình tiên tiến

“Mấu chốt của đề án không chỉ đơn thuần là đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất mà quan trọng nhất là tổ chức thực hiện với quy trình tiên tiến, sản xuất xanh, lúa gạo sạch. Các hợp tác xã tham gia sản xuất phải đảm bảo đúng quy trình, đạt các quy chuẩn theo yêu cầu đề ra”.

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trong chuyến công tác của Bộ NN-PTNT cùng Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đi khảo sát vùng sản xuất lúa tại Kiên Giang để khởi động hỗ trợ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

nong-nghiep-xanh-lua-gao-sach-01-1705458414.jpg
Kỳ vọng vào đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Khởi động hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Địa điểm khảo sát là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (HTX Phú Hòa, xã Tân hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang). Đây là một trong những Tổ chức nông dân được chọn tham gia thực hiện Dự án chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT từ năm 2018; được đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ sản xuất cả trong giai đoạn chính và thời gian gia hạn dự án VnSAT với tổng số tiền hơn 14,7 tỷ đồng.

Phú Hòa là 1 trong 20 HTX của tỉnh Kiên Giang được chọn tham gia Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (dự án GIC) nhằm mục đích nâng cao năng lực kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh và tăng thu nhập của hợp tác xã trồng lúa. Theo Giám đốc Nguyễn Văn Huỳnh thì đây chính là điều kiện thuận lợi để HTX Phú Hòa tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Phú Hòa cho biết, diện tích đất canh tác của hợp tác xã là 613ha, với 320 thành viên, sản xuất lúa 2 - 3 vụ/năm. Hiện HTX có đê bao bảo vệ sản xuất hoàn chỉnh, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu với 6 trạm bơm điện, trong đó có 4 trạm bơm thông minh và một hệ thống giám sát sâu rầy thông minh. Tham gia dự án VnSAT, xã viên đã được tập huấn nhiều lớp về kỹ thuật canh tác lúa 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ứng dụng cơ giới hóa để giảm lượng giống lúa gieo, thu gom rơm rạ để trồng nấm rơm...

nong-nghiep-xanh-lua-gao-sach-02-1705458453.jpg
Việc tổ chức lại sản xuất được xem là nguyên tắc cơ bản trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao.

Đại diện Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, ngay trong vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 tỉnh đã khảo sát và đăng ký tham gia đề án với diện tích 60.000ha, trong đó diện tích đã tham gia dự án VnSAT là 24.738ha. Phân bổ trên địa bàn 9 huyện, thành phố gồm Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Gò Quao, U Minh Thượng và thành phố Rạch Giá, có 104 HTX nông nghiệp tham gia với trên 20.000 thành viên.

Trong vùng diện tích đăng ký tham gia đề án này, trong năm 2023 đã tổ chức sản xuất 68 cánh đồng lớn với diện tích 8.250ha, sản xuất lúa đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận… Cụ thể, có 700ha sản xuất lúa đạt chuẩn chứng nhận VietGAP, 2.500ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP và 2.640ha sản xuất lúa hướng hữu cơ, kiểm soát dư lượng. Có các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ như Lộc Trời, Trung An, Đại Dương Xanh, Hữu cơ Kiên Giang... phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật…

Cần có giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả

Theo ông Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), việc khảo sát, hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” phải làm nhanh, dựa trên nền tảng hạ tầng đã được đầu tư từ dự án VnSAT.

Khi đề xuất thì cần có giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng công trình đầu tư xong lại phải chờ đầu tư cái khác mới vận hành được. Đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn, công nghệ hiện đại, không để xảy ra tình trạng sử dụng vài năm đã thấy lỗi thời, không còn phù hợp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, mấu chốt của đề án không chỉ đơn thuần là đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất mà quan trọng nhất là tổ chức thực hiện với quy trình tiên tiến, sản xuất xanh, lúa gạo sạch. Các hợp tác xã tham gia sản xuất phải đảm bảo đúng quy trình, đạt các quy chuẩn theo yêu cầu đề ra.

nong-nghiep-xanh-lua-gao-sach-04-1705458401.jpg
Xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng lúa.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đề án được triển khai có 3 tiêu chí chính: Một là phải giảm được lượng lúa giống gieo sạ và phải sử dụng giống cấp xác nhận. Hai là quy trình sản xuất tiên tiến, áp dụng 1 phải 5 giảm, giảm sử dụng nguồn tài nguyên nước, giảm phân bón, thu gom đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng, giảm phát thải khí nhà kính. Ba là nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng cách giảm vật tư đầu vào, nhất là giảm phân bón hóa học.

Từ nguồn thu bán tín chỉ các bon sẽ có thêm kinh phí để chi lại cho các HTX tham gia thực hiện đề án. Đặc biệt là gia tăng giá trị bằng thương hiệu gạo các bon thấp, sẽ tăng giá bán cho hạt gạo của Việt Nam, từ đó giúp thêm tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng lúa. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng phế, phụ phẩm từ cây lúa để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa. Cơ hội và thời cơ đang mở ra với chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

“Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp “siết tay” chặt với các hợp tác xã, nông dân tạo mối liên kết trên cơ sở đầu tư căn cơ vào vùng nguyên liệu, chia sẻ hài hòa lợi ích với nông dân”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trước đó đã từng nhận định./.

Trọng Bình