Thực hiện giãn cách xã hội cũng làm giảm 70% lượng tôm giống xuất bán so với cùng kỳ năm trước. Các nhà máy chế biến thu mua nguyên liệu hoạt động với công suất từ 30–40% nên ảnh hưởng đến hoạt động chế biến cũng như mùa vụ nuôi tôm.
Tuy nhiên, Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giúp ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ; trong đó, "điểm sáng" là sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy hải sản.
Cụ thể, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác trên 303.000 tấn, đạt 73,13% kế hoạch, tăng 5,64% so cùng kỳ; lĩnh vực nông nghiệp, diện tích canh tác đạt 100.000 ha, diện tích gieo trồng 151.000 ha (đạt 79,94% kế hoạch, tăng 2,23% so cùng kỳ), diện tích đã thu hoạch 147.101 ha, sản lượng đạt 960.000 tấn, đạt 83,05% kế hoạch, tăng 3,84% so cùng kỳ.
Nhận định, thời gian tới vẫn tiếp tục khó khăn, phức tạp, ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản; khuyến cáo các mô hình nuôi bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đồng thời, phân công cán bộ chuyên ngành thủy sản bám sát địa bàn, nắm tình hình nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn xử lý tôm nuôi bị dịch bệnh, cải tạo ao đầm, bơm bùn đáy ao ra môi trường; tiếp tục cấp mã số cho các cơ sở, vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh - ông Lưu Hoàng Ly cho biết.
Cùng đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách phát triển thủy sản; giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; thường xuyên cập nhật sản lượng khai thác thủy sản, số lượng tàu thuyền, lực lượng thuyền viên; kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển; xử lý các trường hợp vi phạm; cấp sổ và hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác thủy sản.
Tỉnh cấp giấy chứng nhận khai thác thủy sản cho các tàu cá phục vụ chế biến xuất khẩu vào thị trường châu Âu; nhân rộng các mô hình khai thác hải sản theo tổ, đội; hướng dẫn ngư dân thực hiện tốt việc bảo quản sản phẩm sau khai thác.
Ngành chức năng Bạc Liêu cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục hướng dẫn dân nông dân chăm sóc, bảo vệ các trà lúa đã xuống giống; thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn để thực hiện đồng bộ biện pháp ứng phó và bảo vệ sản xuất; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân giúp nông dân giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường.
Mặt khác, tỉnh tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ sâu bệnh; thực hiện tốt khâu dự tính, dự báo, thông báo, hướng dẫn nông dân phòng trị sâu, bệnh gây hại lúa, chú ý rầy nâu, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá... để thông báo đột xuất khi sâu bệnh phát sinh bất thường; theo dõi, kiểm tra các mô hình khuyến nông; thực hiện kế hoạch sản xuất giống lúa ST 24 và ST 25 trên địa bàn tỉnh; xây dựng và công nhận 1 điểm sản xuất tôm sạch, lúa an toàn với quy mô 80 ha.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư nghiên cứu việc áp dụng công nghệ SCADA, từng bước hiện đại hóa quản lý điều hành việc tưới tiêu nước phục vụ sản xuất trên địa bàn; sớm đầu tư xây dựng 2 cống âu thuyền trên kênh Bạc Liêu – Cà Mau để bổ sung nước ngọt từ vùng Bắc sang vùng Nam Quốc lộ 1A nhằm pha loãng, giảm độ mặn trong mùa khô để có nguồn nước phù hợp phục vụ nuôi tôm.
Nông nghiệp Bạc Liêu vẫn tăng trưởng cao dù gặp khó do dịch COVID-19
12/10/2021 17:41:32
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay liên tục gặp khó khăn như: ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; giá phân bón tăng từ 45 – 65 % vào đầu tháng 6 đến tháng 9. Trong khi đó, giá lúa giảm từ 500 – 600 đồng/kg nên lợi nhuận vụ lúa Hè Thu sẽ giảm từ 2,5 – 3 triệu đồng/ha so với cùng kỳ.