Nông dân Tây Nguyên làm giàu từ trồng vải u hồng

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Nhiều năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình chị Hoàng Thị Thu Hương (Sinh năm 1993, trú tại thôn Buôn Ol, xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) ngày càng được cải thiện, thu nhập ổn định và từng bước vươn lên làm giàu nhờ việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Theo tìm hiểu, gia đình chị Hương có khoảng 3ha diện tích đất rẫy tại thôn Buôn Ol. Với diện tích này, trước đây gia đình chị trồng điều nhưng năng suất không đáng kể. Chị Hương chia sẻ: “Nếu năm nào được mùa gia đình tôi cũng chỉ thu được khoảng 3 tấn điều/năm, giá trị khoảng 100 triệu đồng. Nguồn thu nhập ít ỏi này không đủ cho gia đình trang trải những chi phí trong cuộc sống, sinh hoạt và nuôi con ăn học”.

Với quyết tâm thoát nghèo, tìm hướng đi mới làm giàu trên đất rẫy gia đình, vợ chồng chị Hương đã tìm đến nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Sau một thời gian tìm hiểu, gia đình chị Hương phát hiện cây vải chín sớm - vải u hồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Krông Nô và đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với cây điều.

vai-u-hong-1687398245.jpg
Cây vải u hồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn Tây Nguyên

Năm 2014, gia đình chị quyết định đưa giống vải u hồng về trồng xen canh dưới những gốc cây điều. Chị Hương bộc bạch: “Qua tìm hiểu tôi mới biết vải u hồng là giống vải lai nhưng rất dễ chăm sóc, không tốn nhiều công và phù hợp với khí hậu tại Tây Nguyên. Do đó, khi gia đình tôi đưa về trồng xen canh dưới tán điều thì thấy cây vải phát triển rất tốt. Sau 4 năm trồng, chăm sóc, vải u hồng bắt đầu cho thu hoạch với năng suất cao” Xét thấy giống vải u hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, khoảng 3 năm nay, gia đình chị Hương đã cắt bỏ toàn bộ cây điều để tập trung chuyên canh vải u hồng. Với 3ha đất rẫy, gia đình chị Hương trồng khoảng 600 - 700 cây vải u hồng. Để đảm bảo chất lượng vải khi bán ra thị trường, chị Hương mày mò, tìm hiểu và sử dụng các chế phẩm sinh học để phun, xịt nhằm chống sâu bệnh cho cây. Về sản lượng, 3ha vải u hồng cho thu hoạch khoảng 50 tấn vải/năm. Mỗi năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí chăm sóc, phân bón, gia đình chị Hương thu lời vài trăm triệu đồng.

vai-u-hong-1-1687398276.jpg
Chị Hương bên vườn vải u hồng của gia đình

Sự kiên nhẫn, không ngừng nỗ lực đã giúp cho gia đình chị Hương nhanh chóng hái được quả ngọt. “Từ khi vải u hồng cho thu hoạch cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện rất nhiều so với trước, nguồn thu nhập cũng khấm khá hơn. Do đó, cuộc sống trong gia đình không còn chật vật, vất vả như trước nữa”, chị Hương vui mừng chia sẻ.

Không giữ “bí kíp” làm giàu cho riêng cho mình, nhiều năm nay, gia đình chị Hương còn chiết cành, bán giống vải u hồng cho nhiều người dân. Đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc vải u hồng cho người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến thăm quan, học hỏi.

vai-u-hong-2-1687398319.jpg
Cây vải u hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân Tây Nguyên trở lên khấm khá
vai-u-hong-3-1687398333.jpg
 
vai-u-hong-4-1687398346.jpg
Vải sau khi cắt được lựa chọn, bó thành từng chùm để bán ra thị trường

Khuyến cáo thận trọng khi mở rộng diện tích

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, vải u hồng cho lợi nhuận gấp khoảng 7 lần so với cà phê. Trên địa bàn huyện Krông Nô hiện có khoảng 50ha vải u hồng và u trứng, năng suất trung bình đạt từ 12-15 tấn/ha. Với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, giá trị sản xuất trên 1ha vải khoảng trên 400 triệu đồng. Theo đó, lợi nhuận sau chi phí khoảng 250-300 triệu đồng/ha vải u hồng. “Hiện, huyện Krông Nô khuyến cáo người dân cẩn trọng khi chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng vải cho phù hợp, tránh tình trạng ồ ạt trồng một loại dẫn đến vỡ quy hoạch”, ông Lộc thông tin.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cây vải được trồng trên địa bàn hơn chục năm. Đến nay, diện tích vải toàn huyện khoảng 200ha, trồng nhiều ở các vùng như thị trấn Phước An, xã Ea Kuang, Ea Kly, Hòa Đông…. Tuy nhiên, Krông Pắk là một huyện thuần nông, do đó, địa phương chú trọng phát triển đa canh đa con, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, hướng tới sản xuất bền vững. Đối với cây vải, mức cho thu nhập chỉ đứng sau cây sầu riêng. Nhưng loại cây này cũng có những đặc điểm riêng như khi nhiệt độ xuống thấp mới phân hóa mầm hoa. Do đó, địa phương chưa khuyến cáo bà con mở rộng diện tích, mà tập trung chăm sóc để nâng cao chất lượng cây trồng.

Giống vải u hồng có nguồn gốc từ Hải Dương, là giống vải chín sớm có tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, thích hợp với nhiều loại đất trồng như vùng đất nhẹ, đất pha cát, pha sét. Quả khi chín có màu đỏ hồng hình trái tim, cuống quả sâu xuống dưới, vải quả nhô cao nên khi bổ theo chiều dọc quả thì mép trên có hình chữ U (nên có tên là vải u hồng).
Thi Nguyên