Được biết, vệc vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp thời gian rút ngắn, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, nhờ đó chất lượng quả vải được đảm bảo hơn.
Đại diện ngành đường sắt cho biết, lô hàng chỉ 3 tấn vải thiều tươi nhưng là bước đi thử nghiệm để có thể khai thông, nhanh chóng vận chuyển chính thức vải thiều tươi đang vào mùa vụ 2023 xuất khẩu bằng tàu liên vận. Toàn bộ lô hàng thử nghiệm sau khi sang Trung Quốc đã hoàn tất thủ tục tại Bằng Tường, hiện đã được vận chuyển đi tiếp đến chợ Nghĩa Hưng (Thượng Hải) để giới thiệu.
Theo tính toán sơ bộ, đối với 1 container hàng được bảo quản lạnh vận chuyển từ Lục Ngạn đi Bằng Tường sẽ có giá khoảng 30 triệu đồng và container thường khoảng gần 20 triệu đồng. Về thời gian di chuyển, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến), từ Lục Ngạn đến ga Bằng Tường dự kiến khoảng xấp xỉ 12 giờ (bao gồm cả thời gian làm thủ tục thông quan).
Theo đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại Đường sắt cho hay, những ngày tới đây, đơn vị tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản và Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng để xuất khẩu các lô hàng trái cây tươi, đặc biệt là mặt hàng vải quả tươi của Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, với diện tích trên 17.000 ha trồng vải được cấp 178 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Thái Lan, năm 2023 ước tính sản lượng quả vải tươi trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 177.000 tấn. Với sản lượng vải quả tươi ước tính, tỉnh đã chỉ đạo các vùng trồng tìm hiểu và lựa chọn phương thức vận chuyển để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, nhất là phục vụ xuất khẩu.
Trước đó, ngày 18/02, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức khai trương hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép (thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Việc bổ sung ga Kép là ga liên vận quốc tế là giải pháp nhằm giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và tại 2 ga liên vận quốc tế hiện đang khai thác là Yên Viên và Đồng Đăng, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa. Về lâu dài, sẽ thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giảm chi phí logistics và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện.
Để có thể vận chuyển vải thiều tươi xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt, cần chuẩn bị từ container, toa xe đến các thủ tục liên quan đến hàng xuất khẩu và cả thủ tục hải quan, kiểm dịch tại hai cửa khẩu phía đường sắt Việt Nam và Trung Quốc.
Cụ thể, ngành đường sắt cần chuẩn bị các phương tiện vận tải hàng hóa chuyên dùng có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ 200 - 300 tấn vải thiều tươi/ngày, trong đó vận chuyển vải thiều tươi bằng tuyến đường sắt liên vận quốc tế đến các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) và cả thị trường các tỉnh phía Nam nước ta.
Đưa container lạnh chuyên dùng đến kho của doanh nghiệp. Sau khi hàng hóa được đóng gói và xếp hàng lên container, đưa về ga Kép để lập tàu liên vận quốc tế chạy đến ga cửa khẩu Đồng Đăng, hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu hàng.