Nông dân làm giàu từ việc đưa khách đi thăm vườn, thả lưới

Với vị trí thuận lợi cách thành phố Hội An chỉ 5km, người dân làng Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên) đã phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Bằng cách đưa du khách trải nghiệm cuộc sống hàng ngày: thăm vườn cây, thả lưới bắt cá, thưởng thức món ăn địa phương... đã tạo nên sức hút lớn, giúp người dân tăng thu nhập.
du-lich-cong-dong-quang-nam-03-1716599253.jpg
Khách du lịch trải nghiệm bơi thúng chai ngắm rừng dừa nước ở Trà Nhiêu.

Khai thác giá trị của địa phương nhờ du lịch sinh thái

Làng Trà Nhiêu nằm ở hợp lưu hạ nguồn của các nhánh sông Thu Bồn, sông Ly Ly và sông Trường Giang trước khi đổ ra biển Cửa Đại. Du khách có thể đến làng Trà Nhiêu từ Mỹ Sơn bằng đường bộ theo đường ĐT610 từ ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên) về hướng đông khoảng 10km.

Nhìn xa, Trà Nhiêu giống một cồn đảo hoang sơ, vắng vẻ. Nơi đây có 10 héc ta rừng dừa nước với nhiều làng nghề thủ công độc đáo. Tháng 7/2010, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu chính thức ra đời, mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái cho người dân địa phương.

Anh Phạm Minh Tâm - cơ sở dịch vụ thuyền thúng Cô Mốt, ở xã Duy Vinh làm du lịch được 7 năm nay, chủ yếu phục vụ đưa khách tham quan rừng dừa, thả lưới. Ngày cao điểm, cơ sở của anh đón từ 50 - 100 khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Giá dịch vụ bơi thuyền thúng, ăn uống dao động từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/người.

du-lich-cong-dong-quang-nam-05-1716599226.jpg
Chèo ghe thả lưới bắt cá trên nhánh sông Thu Bồn.

Hiện cơ sở của anh Tâm có 15 chiếc thuyền thúng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương: “Khách du lịch đến tham quan rừng dừa rồi bơi thuyền. Mình có dịch vụ ẩm thực buổi trưa phục vụ khách du lịch. Một lượt bơi từ 6 - 7 thúng có 14 - 16 khách, 2 khách đi chung một thúng là giá 100.000 đồng, còn ăn trưa tùy theo thực đơn do khách yêu cầu. Mong muốn khách du lịch đến nhiều, bản thân tôi và người dân rất phấn khởi có thu nhập hàng ngày", anh cho biết.

Khách du lịch đến Trà Nhiêu ngày một đông, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh du lịch tăng doanh thu, người dân địa phương có thêm thu nhập. Hiện ở làng Trà Nhiêu có khoảng 15-20 người dân tham gia đội thuyền thúng của anh Phạm Minh Tâm.

Bà Đỗ Thị Sáng, người dân ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh cho biết trước đây làm nông nghiệp cũng chỉ đủ ăn. Từ khi làng du lịch sinh thái cộng đồng hình thành, bà tham gia vào đội dịch vụ thuyền thúng, thu nhập được vài trăm ngàn đồng một ngày. “Chúng tôi trong đội chèo thúng đưa khách trải nghiệm rừng dừa và bủa lưới, có nhiều lúc khách rất đông. Có khách du lịch đến người dân rất vui và phấn khởi, có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Vợ chồng bà Trần Thị Xì và ông Trần Văn Hùng ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh thiết kế một khu hàng quán là điểm dừng chân cho khách. Khách đến đây, được thưởng thức những món ăn đặc sản như mì Quảng, cơm gà, bánh cuốn... Vợ chồng bà Xì còn làm các sản phẩm lưu niệm bằng tre thân thiện với môi trường như đèn ngủ, đèn lồng, bàn ghế… để bán cho khách.

Bà Xì cho biết: “Trước làm nông nghiệp rất khó khăn, hiện nay gia đình chuyển qua làm du lịch, đời sống khấm khá hơn. Tháng nào đông khách là thu nhập vài chục triệu đồng. Tôi chủ yếu nấu ăn, làm các món ẩm thực phục vụ khách, còn chồng tôi làm nghề mây tre, tạo ra các sản phẩm lưu niệm bằng tre và dẫn khách tham quan".

du-lich-cong-dong-quang-nam-04-1716599384.jpg
Du khách đến tham quan các làng nghề truyền thống.

Ở làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu có 5 gia đình làm du lịch dịch vụ trải nghiệm. Làng du lịch Trà Nhiêu đang phát triển nhiều ngành nghề phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm như: chài lưới trên sông, làm chiếu cói, đan lát truyền thống, nấu rượu. Năm 2010, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu hình thành, từ đó đến nay mở ra cơ hội cho người dân phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên cho biết nhiều hộ trước đây khó khăn nay đã vươn lên khá giả: “Chúng tôi mong muốn du lịch của địa phương phát triển để chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm. Trong làng có 5 hộ làm du lịch, có thu nhập giải quyết được việc làm và kinh tế của họ khấm khá hơn. Hoạt động du lịch tạo đột phá về phát triển kinh tế. Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu mong nhận được quan tâm đầu tư thêm nơi tiếp đón và các điểm trưng bày sản phẩm du lịch của địa phương để thu hút khách và hướng dẫn tập huấn cho người dân có kiến thức về du lịch”.

Du lịch cộng đồng mở hướng phát triển du lịch xanh và bền vững

Năm 2024, ngành du lịch Quảng Nam phấn đấu tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh. Dự kiến năm 2024, Quảng Nam đón 7,6 triệu lượt khách, trong đó 3,9 triệu lượt khách quốc tế và 3,7 triệu lượt khách nội địa; doanh thu từ du lịch ước đạt 8.500 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 20.000 tỷ đồng.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành du lịch đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khách cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng; nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông phục vụ khách du lịch.

du-lich-cong-dong-quang-nam-01-1716599419.jpg
Du khách thích thú check-in tại cánh đồng sen ở Duy Phước (huyện Duy Xuyên)

Bên cạnh việc khai thác sản phẩm du lịch chủ đạo là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và các giá trị văn hóa truyền thống, tự nhiên đặc trưng thì tỉnh Quảng Nam đã xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch thời gian đến. Nhiều sản phẩm du lịch xanh được xây dựng, đưa vào phục vụ khách và đã được du khách đón nhận.

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch tổ chức chương trình kích cầu thu hút khách du lịch đến Quảng Nam trong năm 2024. Chương trình sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 3, với thông điệp "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" và sẽ kéo dài đến hết năm 2024. Trong đó, đặc biệt tập trung xây dựng triển khai thực hiện mạnh các gói kích cầu phù hợp các thị trường khách trong các tháng thấp điểm của du lịch Quảng Nam. Chương trình kích cầu nhằm tăng cường thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam, thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024 và hướng đến phát triển du lịch xanh hiệu quả, bền vững.

du-lich-cong-dong-quang-nam-02-1716599467.jpg
Mô hình du lịch nông nghiệp ở Duy Phước thu hút nhiều du khách tham quan.

Du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái đang phát triển mạnh ở các địa phương tỉnh Quảng Nam. Nhiều nơi đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã du lịch cộng đồng. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch, đưa bà con tham quan, học hỏi ở các địa phương khác. Các mô hình du lịch này không chỉ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế mà gắn phát triển du lịch với văn hóa. 

“Hiện nay, tỉnh khuyến khích phát triển mô hình du lịch cộng đồng, những làng nghề du lịch và du lịch nông thôn. Chúng tôi có những chủ trương chỉ đạo các địa phương là phải hỗ trợ bằng nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ cho du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn này gắn kết giữa Hội An, Mỹ Sơn và du lịch miền biển của Quảng Nam. Chúng tôi tin rằng phát triển du lịch nông thôn có sự kết hợp giao thoa với nhau, đem lại giá trị cao cho chính những người làm du lịch nông thôn cũng như làm du lịch cộng đồng”, ông Hồ Quang Bửu nói./.

Bình Châu