Những thông tin cần biết về vỡ nợ quốc gia

Thời gian gần đây, thông tin nước Mỹ có thể chạm trần nợ công và vỡ nợ đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Trần nợ công là mức trần pháp lý về số tiền tối đa mà chính phủ Mỹ được phép vay để thanh toán các khoản nợ và chi tiêu. Trần nợ công của Mỹ hiện ở mức 31.400 tỷ USD.

Vỡ nợ là "chuyện không thể tưởng tượng nổi"

Trả lời báo giới trước thềm cuộc họp của Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước G7 ở Niigata (Nhật Bản) hôm 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, bà đã đọc tin cựu Tổng thống Donald Trump kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa để Mỹ vỡ nợ, nếu phe Dân chủ không nhượng bộ. "Nước Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Mỹ và toàn cầu. Tôi cho rằng tất cả chúng ta nên coi đây là điều không thể tưởng tượng nổi. Mỹ không bao giờ nên vỡ nợ", bà nói.

Khi được hỏi về các biện pháp mà chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể làm trong trường hợp vỡ nợ, bà Yellen cho biết, các nghị sĩ sẽ phải nâng trần nợ công. "Không có cách thay thế nào giúp chúng ta tránh khỏi thảm họa. Việc hợp lý duy nhất là nâng trần nợ công và ngăn hậu quả tồi tệ sau đó", bà chia sẻ với báo giới.

Bà Yellen khẳng định, việc vỡ nợ có thể tránh được. Từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã 80 lần nâng hoặc đình chỉ tạm thời việc áp dụng trần nợ công. "Tôi đã giục họ hành động nhanh chóng thêm một lần nữa", bà cho biết.

Vậy vỡ nợ quốc gia là gì?

Theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vỡ nợ được hiểu một cách đơn giản là thất hứa hoặc vi phạm thỏa thuận. Một Chính phủ vay tiền từ các chủ nợ trong và ngoài nước thì họ có nghĩa vụ phải trả lãi trên các khoản vay đó. Vỡ nợ xảy ra khi Chính phủ không có khả năng hoặc không muốn thực hiện một số hay toàn bộ nghĩa vụ nợ với người cho vay.

Thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết 147 Chính phủ đã vỡ nợ kể từ năm 1960. Con số trên tương đương hơn một nửa số Chính phủ trên toàn cầu.

Nền kinh tế suy yếu và "chi tiêu không có kế hoạch" là 2 trong số những yếu tố có thể dẫn đến vỡ nợ, trang web chuyên về nội dung tài chính Investopedia cho biết.

Các quốc gia cũng có thể gặp vấn đề nếu vay bằng ngoại tệ. Điều đó có nghĩa là nếu ngân sách bị thiếu hụt, ngân hàng trung ương của những quốc gia này không thể in thêm tiền để bù đắp.

IMF cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng tình trạng khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và các nền kinh tế mới nổi. Cơ quan này cho biết Argentina, Ecuador, Lebanon và Zambia là một số quốc gia mới nhất phải tái cơ cấu nợ.

anhminhhoa-1684049498.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Các quốc gia thường làm gì?

Các quốc gia vỡ nợ có xu hướng cơ cấu lại khoản nợ thay vì từ chối thanh toán bất cứ khoản nào. Ví dụ, sau khi vỡ nợ 81 tỷ USD vào năm 2001, Argentina đã đề nghị trả cho các chủ nợ 1/3 số tiền và cuối cùng, 93% khoản nợ được chuyển đổi thành trái phiếu đảm bảo vào các năm 2005 và 2010.

Còn khi Hy Lạp vỡ nợ năm 2012, các chủ nợ buộc phải chấp nhận khoản lỗ cao nhất lên tới 50%. Trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, các quốc gia có thể chọn cơ cấu lại khoản nợ của mình bằng cách xin thêm thời gian để thanh toán. Tuy nhiên, điều này có tác động làm giảm giá trị trái phiếu nên nó không hoàn toàn an toàn đối với các nhà đầu tư.

Nếu việc vỡ nợ xảy ra bất ngờ, với quy mô đáng kể và gây hoang mang, những người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư trong nước có xu hướng dự đoán được sự sụt giảm giá trị của đồng nội tệ. Khi đó, họ sẽ ồ ạt rút tiền từ tài khoản ngân hàng và chuyển ra nước ngoài.

Để tránh tình trạng này, các chính phủ có thể đóng cửa ngân hàng cũng như áp đặt một số biện pháp kiểm soát vốn. Và tất nhiên, các cơ quan xếp hạng tín dụng chắc chắn sẽ cảnh báo việc đầu tư vào một quốc gia vỡ nợ. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, những chủ nợ muốn hưởng lợi vẫn sẽ cho vay trở lại miễn là họ nhận được khoản tiền xứng đáng với rủi ro mà mình chấp nhận.

Tờ Economist cho biết điều quan trọng cần lưu ý là không có luật hay tòa án quốc tế nào giải quyết các vụ vỡ nợ của Chính phủ. Điều này giải thích tại sao chúng rất đa dạng về quy mô và mức độ nghiêm trọng.

Câu chuyện của Mỹ

Quay lại câu chuyện của Mỹ, Bankrate cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, nước này đã chi nhiều hơn thu (thâm hụt ngân sách). Gần đây nhất, thâm hụt của quốc gia này đạt 1.100 tỷ USD trong nửa đầu năm tài chính của chính phủ (từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023), theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.

Chính phủ Mỹ cần thanh toán cho các trái chủ, chi trả cho các khoản bắt buộc như an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, lương cho quân đội cho đến hoàn thuế, trả lãi vay…

Một số khoản thanh toán lớn được lên kế hoạch vào đầu tháng 6 tới là 47 tỷ USD cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, 12 tỷ USD cho trợ cấp cựu chiến binh, 25 tỷ USD cho an sinh xã hội vào các ngày 2/6 và 14/6.

Khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng vỡ nợ của Mỹ đang bắt đầu khiến người dân nước này lo lắng. Một cuộc khảo sát mới từ Đại học Michigan cho thấy lần đầu tiên trong năm nay, "cuộc khủng hoảng nợ" là một trong những yếu tố góp phần làm suy giảm tâm lý người tiêu dùng. Vì lý do đó, hậu quả của việc vỡ nợ có thể còn tồi tệ hơn.

Tại Mỹ vào thời điểm này, sự không chắc chắn của hệ thống ngân hàng cùng với lạm phát dai dẳng và cảnh báo về sự suy giảm của người tiêu dùng đã khiến trần nợ công trở thành một trong những vấn đề đè nặng lên thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong lịch sử, nước Mỹ từng được coi là vỡ nợ ít nhất 5 lần, bao gồm các năm 1862, 1934, 1968, 1971 và 1979. Mặc dù như vậy, họ vẫn vượt qua cuộc Đại khủng hoảng 1929 - 1933 và trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Ngoài ra, USD vẫn là đồng tiền dự trữ quan trọng bậc nhất.

Một số quan chức chính phủ Mỹ và chuyên gia tài chính gần đây đã cảnh báo về "thảm họa" có thể xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới nếu nước này vỡ nợ. Thế nhưng, nếu nhìn vào lịch sử những lần vỡ nợ trước, liệu việc đó có gây ra hậu quả nghiêm trọng như cảnh báo hay không có lẽ sẽ cần thêm thời gian để đánh giá và đưa ra kết luận./.

Thi Nguyên (t/h)