Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra từ người tiêu dùng là việc đăng kiểm, bảo dưỡng loại xe này có khác gì so với xe chạy xăng, dầu thông thường. Đặt biệt, các cơ quan chuyên môn đã có chuẩn bị gì cho việc kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đăng kiểm là quy định bắt buộc đối với xe cơ giới; trong đó có ô tô xăng, dầu và ô tô điện để được lưu hành hợp pháp. Chủ phương tiện cần mang xe đến các trung tâm kiểm định xe cơ giới để làm thủ tục đăng kiểm xe ô tô điện định kỳ theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải đã có quy định bắt buộc về việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới bao gồm ô tô xăng và ô tô điện. Thủ tục đăng kiểm xe ô tô điện cần được thực hiện định kỳ, chủ phương tiện cần chuẩn bị hồ sơ và đóng đầy đủ các khoản phí theo quy định của pháp luật.
Cũng theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, khác với phương tiện sử dụng xăng, dầu có quy trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, ô tô điện sử dụng năng lượng điện nên sẽ được bỏ qua công đoạn 4 là kiểm tra hệ thống khí thải, bảo vệ môi trường.
“Riêng đối với ô tô điện, đơn vị kiểm định sẽ tiến hành kiểm tra thêm các bộ phận như: hệ thống lưu trữ pin; hệ thống quản lý RESS (nếu được trang bị); bộ chuyển đổi điện tử, động cơ và điều khiển thay đổi, dây điện và đầu nối; động cơ kéo; hệ thống sạc bên ngoài nếu được trang bị yêu cầu; bộ phận kết nối đầu sạc trên xe”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ.
Tương tự như quy định áp dụng với ô tô chạy xăng, dầu, ô tô điện không tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải sẽ thực hiện đăng kiểm: chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 30 tháng. Từ lần thứ 2, chu kỳ rút ngắn còn 18 tháng. Từ năm thứ 7 kể từ ngày sản xuất, chu kỳ đăng kiểm là 12 tháng. Từ năm thứ 12, chu kỳ đăng kiểm còn 6 tháng.
Về quy trình kiểm định an toàn kỹ thuật cho xe ô tô điện, đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải đã quy định rất chặt chẽ quy trình kiểm định an toàn kỹ thuật cho xe ô tô nói chung; trong đó, có xe điện. Ngay sau khi thông tư này được ban hành, Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phổ biến và tập huấn việc triển khai văn bản này cho tất cả các trung tâm đăng kiểm trên cả nước.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại địa bàn Hà Nội khẳng định, do không có sự khác biệt nhiều giữa xe điện và xe chạy nhiên liệu xăng, dầu nên quy trình đăng kiểm xe đối với điện cũng không phải thay đổi. Về vấn đề nhân sự các trung tâm cũng đã có sự tập huấn và trao đổi để đảm bảo quy trình đăng kiểm xe điện diễn ra bình thường. Đặc biệt, hiện quy trình kiểm định an toàn kỹ thuật phượng xe ô tô điện đã được quy định thống nhất nên các trung tâm đăng kiểm không gặp khó khăn nào trong khi đăng kiểm loại phương tiện này.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 2902V – Hà Nội (Cục Đăng kiểm Việt Nam), từ đầu năm đến nay trung tâm đã thực hiện xe kiểm định chất lượng xe cơ giới cho một số xe buýt (xe điện) của Vin Group. Bên cạnh đó, cũng có một vài xe điện cá nhân đến trung tâm đăng kiểm để đăng kiểm. Nhìn chung, do không có sự khác biệt quá lớn giữa xe điện và xe động cơ đốt trong (xăng, dầu) nên các đăng kiểm viên đã thực hiện quy trình đăng kiểm xe điện rất thuận lợi, nhanh gọn, đúng quy trình mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện được đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước vẫn còn ít. Tính đến thời điểm này, có khoảng 190 xe ô tô động cơ điện vào kiểm định; trong đó có 93 xe từ 7 chỗ trở xuống và 97 xe là xe buýt.
Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đến nay, xe điện tại Việt Nam vẫn chưa được sử dụng nhiều và hầu như chưa có hãng xe nào thực sự chú trọng vào đầu tư kinh doanh thực sự, ngoại trừ hãng xe nội địa là VinFast.
Bên cạnh đó, số lượng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện. Để hoàn thiện, cần phải có thời gian để đồng bộ mới có thể bắt kịp xu thế thế giới.
Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, xe điện là xu hướng tất yếu không thể thay đổi được. Tuy nhiên, tại Việt Nam xe điện chưa xuất hiện nhiều vì vậy để phát triển xe điện, cơ quan nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất, hỗ trợ cho người sử dụng như đăng kiểm, vị trí hoạt động, điểm sạc cho xe điện…
“Hiện xe điện vào Việt Nam một số lượng rất ít nên chưa xảy ra nhiều vấn đề về an toàn giao thông. Tuy nhiên, các bộ ban ngành cũng cần phối hợp để có các quy định về an toàn giao thông trong thời gian tới. Bên cạnh đó là vấn đề môi trường như xử lý pin sau khi hết hạn sử dụng…”, các chuyên gia giao thông nhìn nhận./.