Giải pháp về cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với vấn đề năng suất lao động
Về điểm mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2020 được duy trì và cải thiện với tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 6,21%. Trong khi đó, tốc độ tăng bình quân hằng năm của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giai đoạn 2011-2020 thấp 0,83%, điều này đã khiến cho NSLĐ tăng với tốc độ khá nhanh;
Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, đặc biệt là lao động trẻ trong độ tuổi từ 15-39 tuổi luôn chiếm tỷ lệ trên 51% tổng số lực lượng lao động cả nước; Cùng với sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch khá mạnh mẽ từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, mặc dù tỷ lệ này so với các nước trong khu vực vẫn tương đối cao.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể hóa quan điểm đó, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng phân bổ nguồn lực lớn cho ngành Giáo dục, quan tâm và cải thiện chất lượng lao động nước ta thông qua đào tạo, quá trình hội nhập, đô thị hóa, thực hiện cách mạng Công nghiệp 4.0...
Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo chiếm tỷ lệ tương đối cao (gần 15%) trong chi cân đối ngân sách Nhà nước và tăng dần qua các năm. Do đó, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo trong giai đoạn 2011-2020 cũng tăng từ 15,6% năm 2011 lên 24,1% năm 2020. Dân tộc Việt Nam nói chung, người lao động Việt Nam nói riêng luôn chịu khó, siêng năng, khéo léo, sáng tạo, đồng lòng vươn lên vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có như vậy mới biến trí lực và thời gian thành kiến thức, học vấn, của cải vật chất, giá trị tinh thần. Một dân tộc chăm chỉ sản xuất thì dân tộc đó mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất còn hạn chế là một trong những điểm yếu cần khắc phục
Về điểm yếu, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp và đang trải qua thách thức vượt qua bẫy trung bình thấp. Tuy nhiên, phát triển kinh tế vẫn còn mang tính thuần nông, thị trường chưa phát triển bền vững. Số lượng doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng số doanh nghiệp (khoảng 97%). Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong nền kinh tế khi gặp tác động từ các nhân tố bên ngoài hay biến động của thị trường do chất lượng về vốn thấp, thiếu tính bền vững, hạn chế về năng lực quản lý, nền tảng công nghệ kỹ thuật không cao.
Trong giai đoạn 2011-2020, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tuy có giảm qua các năm nhưng nhìn chung vẫn cao so với các nước trong khu vực. Sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn theo lề lối từ xưa, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu trình độ về khoa học công nghệ, tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp, sản xuất nhỏ và còn mang nặng văn hóa tiểu nông.
Chất lượng lao động vẫn còn thấp, chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ (ngân hàng, tài chính, thông tin viễn thông, du lịch…) và công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, không có chuyên môn kỹ thuật năm 2020 chiếm đến 75,9%. Nền sản xuất chưa lớn, chưa hiện đại. Khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất còn hạn chế./.