Nhớ nghệ sĩ saxophone người Hà Nội

Nghệ sĩ Phan Anh Dũng đắm đuối với nghề, luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật, đau đáu với sự phát triển của bộ môn saxophone", dường như anh mang đầy đủ những nét đặc trưng nhất của con người nơi đây.
nghe-si-phan-anh-dung-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-1696867211.jpg
Nghệ sĩ Phan Anh Dũng tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 45 năm sự nghiệp.

Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Giày (Hà Nội), cựu giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Phan Anh Dũng có phong thái “nghệ sĩ” phóng khoáng mà không phóng đãng, sành chơi, có gu, tinh tế, không pha tạp. Từ nhỏ, Phan Anh Dũng đã được gia đình hướng tới con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Niềm say mê âm nhạc cứ lớn lên theo Dũng qua từng năm tháng. Sau 7 năm học violon, anh chuyển sang học kèn clarinet, rồi năm 18 tuổi cơ duyên đưa anh đến với saxophone và trở thành cử nhân đầu tiên chuyên ngành saxophone của Việt Nam với tấm bằng xuất sắc nhất.

Từ cây đàn đồ chơi...

Năm Dũng lên 7 tuổi, đã được mẹ mình mua cho một cây đàn violon. Đó là cây đàn đầu tiên của Phan Anh Dũng. Thực ra cây đàn này giống một món đồ chơi hơn một chiếc violon thực thụ. Nhưng cậu mê như điếu đổ. Mãi sau này, đến năm 14 tuổi, mẹ mới mua cho anh một cây đàn violon “xịn” mà giá trị khi đó tương đương một ngôi nhà. Bố anh là người nghiêm khắc nhưng yêu con hết mực, ông luôn “định hướng” cho Phan Anh Dũng đi theo con đường nghệ thuât. Trong nhà có một tủ sách rất lớn. Chính khối gia tài tri thức ấy, đã tạo cho Phan Anh Dũng có một nền tảng nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ.

Sau 7 năm theo violon Dũng chuyển sang học kèn clarinet. Năm 18 tuổi, cơ duyên đã đưa anh đến với saxophone và đây mới thực sự là mối lương duyên bền chặt, là niềm đam mê lớn nhất của Dũng. Anh tốt nghiệp hệ trung cấp saxophone tại Nhạc viện Hà Nội khóa 1988-1992, sau đó tiếp tục theo học tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và trở thành cử nhân đầu tiên chuyên ngành saxophone của Việt Nam với tấm bằng xuất sắc nhất.

Từng công tác ở nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau nhưng rồi cái duyên lại đưa Dũng đến và gắn bó với nghiệp làm thầy. Công việc đã đưa anh đến với ý tưởng viết sách giáo khoa về Phương pháp học saxophone. Tập I của bộ sách giáo khoa Phương pháp học saxophone được phát hành năm 2010 đã được những người đang theo học saxophone tìm đọc. Cũng trong năm đó, giáo trình này được Hội nhạc sĩ Việt Nam tặng Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2010.

Để đáp ứng nhu cầu của người học, năm 2012 anh lại tiếp tục ra mắt quyển Phương pháp học saxophone tập II. Ở nước ta có rất nhiều giáo trình về âm nhạc nhưng với bộ môn saxophone khi ấy thì chưa. Vì vậy Phương pháp học saxophone là bộ sách giáo khoa đầu tiên về bộ môn âm nhạc này.

Bộ sách giáo khoa không chỉ là những kiến thức âm nhạc, sư phạm mà đó còn là sự tính toán khoa học của Phan Anh Dũng từ cách chọn bài mẫu, phân bổ sắp xếp thời gian cho từng bài, từng phần… để người học dễ hiểu, dễ thực hành. Ròng rã mất 6 năm, tập I được hoàn thành và 2 năm là thời gian cho tập II. Với Phan Anh Dũng, điều vui nhất là giờ đây, giáo trình này của anh đã được hàng nghìn người đang theo học bộ môn saxophone trong và ngoài nước đón nhận.

Không chỉ thành công với việc viết sách giáo khoa, từ lâu người yêu nhạc Jazz được chứng kiến “phù thủy” Dũng hứng khởi mê đắm cùng cây kèn saxophone trên các sàn diễn lớn nhỏ tại Hà Nội. Thế rồi, bỗng nhiên thiên hạ hay tin Dũng tiếp tục theo học để rồi để trở thành cử nhân đầu tiên của Việt Nam chuyên ngành saxophone (năm 1998) và trở thành giảng viên bộ môn saxophone tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

nghe-si-phan-anh-dung-doanh-nghiep-kinh-te-xanh1-1696867389.jpg
Nghệ sĩ Phan Anh Dũng.

Biến ý tưởng thành ngọn đuốc

Thế nhưng, ánh đèn màu sân khấu đã cuốn hút người nghệ sĩ - giảng viên. “Dũng xắc” đã tìm được một cõi riêng ảo lạ để thăng hoa, để biến những ý tưởng thành ngọn đuốc ngẫu hứng bùng cháy, trong Jazz. Và thế là bộ ba “Dũng- Sax- Jazz” đã tạo nên những “mốc son” nhớ đời đối với “Dũng xắc” trên con đường âm nhạc.

Đối với Phan Anh Dũng, anh luôn đau đáu với ý nghĩ phải làm như thế nào để nhạc Jazz Việt mang “hồn Việt”. Dường như nhạc Jazz sinh ra để dành cho Phan Anh DũngI? “Nhạc Jazz có những phần solo, ngẫu hứng, giúp cho con người thể hiện, biểu cảm cái “tôi”. Đối với Dũng, một bản nhạc Jazz chơi hai lần bởi cũng một người nghệ sĩ cũng không thể lúc nào cũng giống nhau 100% được. Người nghệ sĩ dựa vào vốn sống của mình để nhận biết từng đối tượng khán giả khác nhau, để từ đó đem cảm xúc, suy nghĩ của mình thể hiện, biểu diễn.

Phan Anh Dũng và cây kèn saxophone vẫn “kết chặt” với nhau, cùng phiêu du qua các sàn diễn, đến mọi miền đất nước, chinh phục trái tim người yêu âm nhạc. Nhạc Jazz bên cạnh cảm hứng là đòi hỏi cao về vốn sống, tư duy, kỹ thuật, nếu người nghệ sĩ thiếu một trong ba điều đó thì khó có thể thành công. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh vẫn miệt mài theo đuổi tham vọng tự mình tạo ra phong cách nhạc Jazz Việt.

Tiếc rằng, đang ở độ chín, Nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng qua đời ở tuổi 52 để lại dấu ấn là những tác phẩm âm nhạc, vớin 800 học viên, trong đó có khoảng 30 người nước ngoài. Trước khi qua đời, anh biên soạn thêm hai cuốn giáo trình, tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 45 năm sự nghiệp.

Trần Minh