Trước kia, khu vực xóm 7 là vùng đất chiêm trũng, sản xuất kém hiệu quả nên người dân cũng không mặn mà. Năm 2003, gia đình bà Trần Thị Thục đã mạnh dạn làm hồ sơ xin chuyển đổi đất để đào ao thả cá, tôm,…
Từ việc ban đầu chỉ nuôi 2.000 con vịt đẻ trứng, mà chủ yếu thả đồng cho con vịt tự tìm kiếm thức ăn. Sau khi có chút vốn, năm 2015, bà Thục tiến hành xây dựng chuồng nuôi lợn với quy mô 50 con lợn nái.
Thấy việc nuôi lợn có hiệu quả, năm 2016, bà mạnh dạn nâng quy mô đàn lợn nái lên 100 con, 1.500 con lợn thịt. Số lợn con đẻ ra bà đều giữ lại để nuôi thành lợn thịt nên hầu như nguồn giống luôn duy trì, đảm bảo trong chuồng", bà Thục chia sẻ thêm.
Ngoài việc nuôi con vịt, lợn…bà Trần Thị Thục, còn thuê gần 5 ha đất của bà con nông dân trong xã để cấy lúa giống nếp hạt cau, nếp nương…Nhằm tạo thành cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất, chế biến nông, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao hơn so với cách làm truyền thống.
Đến nay, bà Trần Thị Thục, đang tạo điều kiện cho 8 lao động thường xuyên với mức lương từ 6.000.000-10.000.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, lao động thời vụ khoảng 10 người với mức chi trả gần 300.000 đồng/người/ngày. Trừ mọi chi phí gia đình bà có thu nhập hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Bà Thục tâm sự: "Những năm qua, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh…như cơn bão quét qua các trại chăn nuôi lợn, điều đó khiến lợn chết phải đưa đi tiêu hủy rất nhiều. Ngoài ra, giá bán lợn thịt xuống thấp, giá thức ăn tăng cao…cũng là nguyên nhân mà hiện nay nhiều chuồng trại chăn nuôi lợn bị thua lỗ, sợ không tái đàn mới. Nhưng đối với tôi gần 10 năm nuôi lợn chưa hề để lợn chết do dịch bệnh".
“Hiện trại lợn gia đình tôi luôn thực hiện chăn nuôi khép kín "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người lao động hạn chế ra bên ngoài trang trại, nguồn thức ăn cho lao động tự cấp như: Rau, cá, thịt…”, bà Thục khoe.
“Riêng đối với đàn lợn nuôi phải đảm bảo, tìm hiểu nguồn gốc lợn giống bố mẹ, chọn nơi có uy tín để mua. Thức ăn cho lợn chủ yếu cám công nghiệp được, cứ 2 tháng lấy mẫu máu của lợn để đi kiểm tra nhằm sớm biết các mầm bệnh để kịp thời xử lý”, bà Thục chia sẻ thêm:
Đồng thời, chuồng trại nuôi lợn phải xa khu dân cư, thiết kế thoáng mát về mùa hè, ấm áp mùa đông, thức ăn, chất thải của lợn cần dọn sạch trong ngày. Bên ngoài chuồng nuôi lợn nên phun thuốc khử trùng mỗi ngày…
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, nên gần 10 năm qua bà Trần Thị Thục luôn thành công. Bà Thục còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Ngoài làm kinh tế giỏi, gia đình bà Thục còn rất nhiệt tình tham gia phong trào từ thiện, gia đình bà Thục cũng tham gia ủng hộ khi có cơ quan, đoàn thể xã, huyện kêu gọi. Cụ thể, như dịch Covid-19, gia đình bà Thục đã hỗ trợ trực tiếp cho nhiều gia đình bị ảnh hưởng, nhiều ông, bà già trong xóm, xã nhận trợ giúp gạo, cá, thịt…
Bên cạnh đó, gia đình bà Thục đã chủ động phối hợp và phối hợp tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho 4-5 hộ gia đình với 13 lao động, giúp vốn, kỹ thuật chăn nuôi cho 7 hộ khó khăn trong và ngoài xã. Đồng thời, gia đình bà Thực còn cho vay vốn không lãi suất 5 hộ với tổng số tiền 350.000.000 đồng.
Ông Trần Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Sơn chia sẻ: "Bà Trần Thị Thục, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, luôn là tấm gương sáng trong phong trào của hội cũng như phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Bà Thục đã giúp cho phong trào Hội Nông dân xã Như Hòa nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm.
Bà Thục đã được mọi người ghi nhận và được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của chính quyền các cấp. Năm 2022, bà Thục vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 rất xứng đáng".