Nhìn lại thành quả sau 15 năm xây dựng NTM ở Ninh Bình

Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, bản sắc, sau 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ninh Bình đã biến tiềm năng thành động lực, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển.
Nhìn lại thành quả sau 15 năm xây dựng NTM ở Ninh Bình
Ninh Bình là địa phương thứ hai trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Nằm ở phía Nam đồng bằng Sông Hồng, cửa ngõ Bắc-Nam, có vị trí chiến lược, nơi tiếp giáp và giao thoa giữa 3 vùng (đồng bằng sông HồngTây Bắc Bộ-Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung), Ninh Bình là mảnh đất tươi đẹp, vùng đất địa linh, có bề dày văn hóa lịch sử và truyền thống cách mạng, là nơi phát tích của 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý gắn liền với Kinh đô Hoa Lư. Ngoài ra, Ninh Bình còn lưu giữ vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên như: Quần thể Danh thắng Tràng An; Rừng ngập mặn Kim Sơn; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Vườn quốc gia Cúc Phương.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới (NTM), trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

Trên cơ sở nhận diện những tiềm năng, lợi thế khác biệt, riêng có, Ninh Bình đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng “xanh, hài hòa và bền vững”, phụng dưỡng thiên nhiên, phục dựng các di tích, bảo tồn và phục hồi các giá trị lịch sử, văn hóa. Lấy di sản làm nền tảng, động lực để phát triển kinh tế-xã hội và chăm lo đời sống nhân dân.

Nhìn lại thành quả sau 15 năm xây dựng NTM ở Ninh Bình
Ninh Bình đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng “xanh, hài hòa và bền vững”

Kết quả sau 15 năm xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh NTM tại Quyết định số 1058/QĐTTg ngày 31/5/2025. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để xây dựng tỉnh Ninh Bình hiện nay và tỉnh Ninh Bình mới sau khi hợp nhất 3 tỉnh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Để có được kết quả trên, địa phương này đã chủ động, sớm ban hành hệ thống các nghị quyết, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội nói chung và nhiệm vụ xây dựng NTM nói riêng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của mỗi giai đoạn.

Sau 15 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình đã đạt được những thành tựu toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực, ghi dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân.

Kinh tế nông thôn đã có chuyển động mạnh mẽ trở thành không gian sản xuất năng động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tính đến năm 2024, giá trị sản xuất trên một héc ta đất canh tác bình quân đạt 160 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,5 lần so với năm 2010; công nghiệp-xây dựng chiếm 41,3%, dịch vụ chiếm 48,6%.

Toàn tỉnh hiện có 209 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 67 sản phẩm đạt 4 sao, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm được hình thành, thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, Ninh Bình trở thành trung tâm chế biến rau quả hàng đầu cả nước, giữ vai trò dẫn dắt với thương hiệu DOVECO nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hạ tầng nông thôn phát triển đồng bộ cả về nội vùng và liên vùng. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh đã huy động được 68.302 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; 100% đường xã, liên thôn được cứng hóa; 100% xã có trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 98%. Hệ thống thủy lợi được đầu tư đảm bảo chủ động tưới tiêu cho trên 95% diện tích đất nông nghiệp. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, công tác chuyển đổi số được triển khai rộng khắp, là cơ sở quan trọng cho 24 xã triển khai xây dựng mô hình “nông thôn thông minh”.

Đến nay, Ninh Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 65/101 xã đạt chuẩn nâng cao (chiếm 64,3%) và 18 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,48% vào năm 2024, giảm hơn 10% so với năm 2010. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 70,74 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 5 lần so với thời điểm khởi đầu Chương trình.

Các mô hình du lịch nông thôn như cộng đồng, sinh thái, làng nghề phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo khách du lịch, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Hàng loạt mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, “đường hoa kiểu mẫu”, “làng không rác” được nhân rộng, làm đẹp cảnh quan và nâng cao ý thức cộng đồng. Mô hình NTM gắn với phát triển du lịch là điểm sáng của nhiều địa phương.

Nhân dân toàn tỉnh Ninh Bình đã đóng góp hơn 12.750 tỷ đồng, hiến trên 1.200 ha đất, tham gia hơn 610.000 ngày công lao động và vật tư xây dựng khác với tổng giá trị quy đổi trên 1.400 tỷ đồng.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở được củng cố vững chắc. Các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể được kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức và giám sát Chương trình.

Nhìn lại thành quả sau 15 năm xây dựng NTM ở Ninh Bình
Đến nay, Ninh Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 65/101 xã đạt chuẩn nâng cao.

Chương trình xây dựng NTM tại Ninh Bình không chỉ là cuộc cách mạng về phát triển hạ tầng mà còn là bước tiến vượt bậc về tư duy, tầm nhìn chiến lược và nỗ lực hành động bền bỉ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Chính điều này đã tạo nên bức tranh NTM Ninh Bình: Nông thôn hòa hợp với đô thị cả không gian và bản sắc. Nông thôn không chỉ là không gian cư trú, mà còn là nơi gìn giữ hồn cốt văn hóa, bản sắc dân tộc, là miền ký ức và nguồn lực cho tương lai. Là sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị gắn với xây dựng đô thị di sản; phát triển bền vững trên nền tảng di sản, gắn chương trình xây dựng NTM với bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Tính đến nay, tỉnh Ninh Bình là địa phương thứ hai trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, đồng thời là một trong 7 tỉnh (gồm Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Trà Vinh và Ninh Bình) đạt chuẩn tỉnh NTM của cả nước. Đây là dấu mốc quan trọng và càng có ý nghĩa khi 3 tỉnh Ninh Bình-Nam Định-Hà Nam đang chuẩn bị hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược, tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập sẽ tiếp tục xác định Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn là nền tảng trọng yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây không chỉ là bệ đỡ cho phát triển kinh tế-xã hội mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, Ninh Bình mới từng bước xây dựng mô hình phát triển hài hòa, gắn kết giữa đô thị và nông thôn, giữa truyền thống và hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện./.

Viết Huy