Hà Nam –Nam Định – Ninh Bình: Định hướng không gian phát triển sau sát nhập

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng và chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2025–2030, tầm nhìn đến năm 2050, ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn “Định hướng phát triển ngành gắn với không gian phát triển theo đơn vị hành chính mới”.
dinh-huong-khong-gian-1748072795.png
Toàn cảnh Hội nghị  “Định hướng phát triển ngành gắn với không gian phát triển theo đơn vị hành chính mới”.

Định hướng không gian phát triển sau sáp nhập

Thực hiện của Đảng và Nhà nước về tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, việc hợp nhất ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình thành một đơn vị hành chính mới mang tên tỉnh Ninh Bình đang được xúc tiến mạnh mẽ. Nhằm nhận diện đầy đủ và phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương trong giai đoạn 2025–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh ủy, HĐND và UBND ba tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn “Về định hướng phát triển ngành gắn với không gian phát triển tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới”.

Hội thảo có sự tham dự và điều hành của các lãnh đạo chủ chốt ba tỉnh như ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; ông Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cùng nhiều lãnh đạo khác của các tỉnh, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tiêu biểu và các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là dịp để các bên liên quan cùng nhau phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học về tiềm năng và thách thức của đơn vị hành chính mới hình thành, từ đó xây dựng nền tảng phục vụ cho việc hoàn thiện văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Quốc Huy nhấn mạnh rằng việc hợp nhất ba tỉnh là bước đi chiến lược nhằm bù đắp hạn chế về quy mô dân số và diện tích, tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, và đồng thời mở rộng không gian phát triển, đẩy mạnh kết nối hạ tầng và phát triển kinh tế biển. Ông kỳ vọng quá trình sáp nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch, công nghiệp, văn hóa, di sản và các ngành công nghiệp chiến lược.

dinh-huong-khong-gian1-1748072954.png
Sau sát nhập, tỉnh Ninh Bình (mới) sẽ trở thành trung tâm của du lịch, công nghiệp

Hội thảo tập trung thảo luận ba nhóm vấn đề trọng tâm. Thứ nhất là làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc nhận diện đầy đủ các tiềm năng, lợi thế địa - chính trị, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, truyền thống văn hóa, di sản của từng địa phương. Qua đó, đánh giá bối cảnh quốc tế và trong nước cũng như những cơ hội, thách thức tác động đến sự phát triển của tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập. Thứ hai là xác định định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, vùng động lực mới trong mối liên kết vùng, tập trung vào các ngành có lợi thế như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán dẫn, AI, công nghiệp văn hóa, du lịch, công nghệ số, kinh tế biển và bảo vệ môi trường. Thứ ba là đề xuất con đường phát triển, các mục tiêu chiến lược và chương trình hành động, nhằm phát huy nội lực và thu hút ngoại lực, đưa tỉnh Ninh Bình mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với mô hình đô thị di sản xanh, hiện đại.

Đô thị di sản – Công nghiệp xanh – Kinh tế số

Thực tiễn những năm qua cho thấy ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tính đến cuối năm 2024, tổng quy mô kinh tế của ba tỉnh đạt khoảng 310.282 tỷ đồng, xếp thứ 11 trên cả nước; tổng thu ngân sách đạt 55.018 tỷ đồng, đứng thứ 6; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng. Nông nghiệp đã chuyển hướng theo mô hình hữu cơ, tuần hoàn; các đô thị và vùng nông thôn được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Các mô hình kinh tế mới, kinh tế số, kinh tế xanh đang hình thành, điển hình như sản xuất vật liệu xanh và công nghệ thông tin tại Nam Định; công nghiệp cơ khí và tổ chức sự kiện - du lịch tại Ninh Bình; công nghiệp điện tử, giải trí và hỗ trợ tại Hà Nam.

An sinh xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng; quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới sở hữu diện tích khoảng 3.900 km² và dân số trên 4,4 triệu người, trở thành đơn vị hành chính có quy mô dân số lớn thứ 6 toàn quốc. Đây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, có nhiều di sản thiên nhiên và nhân văn, là điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế.

dinh-huong-khong-gian3-1748073154.jpg
Một trong những vấn đề được quan tâm là định hướng phát triển công nghiệp chế tạo, bán dẫn và AI

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, nhận định rằng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của ba tỉnh vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là không gian phát triển chật hẹp, thiếu tính liên thông, gây cản trở cho việc quy hoạch và phát triển ngành phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, ông cho rằng đây cũng chính là thời điểm vàng để tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển, tổ chức lại không gian phát triển theo hướng mở rộng và bền vững, phù hợp với các giá trị truyền thống và lợi thế riêng biệt của từng địa phương.

Trong phần gợi mở nội dung thảo luận, ông Toàn nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định rõ định hướng không gian phát triển: khu vực nào là trung tâm công nghiệp, đâu là không gian du lịch sinh thái, đâu là vùng nông nghiệp đặc hữu,... Từ đó đảm bảo tính thống nhất, hài hòa trong phân công lãnh thổ và liên kết vùng. Ông cũng kêu gọi đề xuất các mô hình phát triển kinh tế đa ngành, đa trung tâm với trụ cột là công nghiệp công nghệ cao, du lịch di sản - sinh thái - biển, nông nghiệp đặc hữu, kinh tế số và logistics. Việc đổi mới cách huy động và phân bổ nguồn lực cần được xem là khâu đột phá nhằm tạo động lực phát triển bứt phá trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, việc phát triển nông thôn mới nâng cao, định hình nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, gắn với nâng cao đời sống nông dân cũng được xác định là nhiệm vụ then chốt. Song song với đó là thúc đẩy đô thị hóa, phát triển các đô thị phù hợp với đặc điểm từng khu vực, từ đô thị công nghiệp đến đô thị di sản và sinh thái. Mục tiêu đến năm 2035 là xây dựng tỉnh Ninh Bình mới trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, hiện đại, đáng sống và mang bản sắc riêng biệt.

Sau phần khai mạc, hội thảo tiếp tục với ba phiên thảo luận chuyên sâu. Phiên thứ nhất tập trung nhận diện tiềm năng và lợi thế ngành, lĩnh vực, địa phương của ba tỉnh. Phiên thứ hai đưa ra định hướng phát triển ngành và sản phẩm chủ lực theo đơn vị hành chính mới. Phiên cuối cùng bàn về định hướng không gian phát triển vùng động lực trong giai đoạn 2025–2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững cho tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập.

Hà Khải