Nhiều hoạt động hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh

Thời gian qua, các hợp tác xã Tỉnh Trà Vinh được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2021-2025, Trà Vinh tiếp tục thực hiện Chương trình Hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 1 liên hiệp hợp tác xã và 173 hợp tác xã đang hoạt động với tổng vốn điều lệ hơn 171 tỷ đồng, có trên 30.000 thành viên; trong đó, 129 hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, 28 hợp tác xã phi nông nghiệp và 16 quỹ tín dụng nhân dân.

Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2021-2025, Trà Vinh tiếp tục thực hiện Chương trình Hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo đó, tỉnh huy động nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương, nguồn vốn lồng ghép, các dự án đang triển khai trên địa bàn… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã, như hỗ trợ thành lập mới, củng cố hoạt động; đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm; nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, phát triển mới thêm 50 hợp tác xã và 1-2 liên hiệp hợp tác xã; 100% cán bộ của tổ hợp tác và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn; 100% huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 3 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với thực hành sản xuất xanh, với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đồng thời, tăng cường sự liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân, sản xuất theo chuỗi để tăng mạnh lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng; đưa tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng từ 5 - 10% như hiện nay lên khoảng 20 - 30% năm 2025.

Hợp tác xã bưởi da xanh Hùng Hòa, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh được thành lập năm 2019, hiện có 60 thành viên, vốn điều lệ 300 triệu, trồng bưởi da xanh trên 35 ha; trong số này 27,6 ha được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP. Sau khi được hỗ trợ thành lập mới, hợp tác xã được cấp hơn 2.200 m2 và hỗ trợ trên 500 triệu đồng để xây dựng trụ sở, kho, bãi…

Ngoài ra, năm 2019, hợp tác xã còn được Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) hỗ trợ thành viên hợp tác xã tổng số tiền gần 300 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Hùng Hòa cho biết, trước đây, nhà vườn chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự trồng và tự tìm thương lái thu mua. Từ khi tham gia hợp tác xã, nhà vườn được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều nông dân an tâm hơn khi tham gia hợp tác xã là vừa được cung cấp dịch vụ đầu vào giá thấp vừa được hợp tác xã hỗ trợ đầu ra.

Mới đây, Hợp tác xã được Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) hỗ trợ đăng kí sở hữu trí tuệ, cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi da xanh của hợp tác xã. Ông Nguyễn Văn Vũ tin tưởng, thời gian tới, khi có thương hiệu, bưởi da xanh Hùng Hòa sẽ nâng cao giá trị và mở rộng được thị trường.

9-89710-600x427-1636246517.jpeg
Quýt đường của Trà Vinh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh minh hoạ.

Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú, ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long cũng là một trong những hợp tác xã được tiếp cận khá nhiều chính sách của tỉnh. Hợp tác xã có 65 thành viên trồng quýt đường trên tổng diện tích 60 ha. Năm 2020, đơn vị được cấp 2.100 m2 đất và hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng để xây dựng trụ sở, cửa hàng trưng bày, nhà kho…

Ông Phan Thanh Tâm, thành viên Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú cho biết, quýt đường vùng đất Long Trị hầu hết được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng phân bón học rất hạn chế. Theo kinh nghiệm trồng quýt lâu năm của các nhà vườn địa phương, để quýt đường mọng nước, ngọt thanh và không bị chai, các vườn quýt này đều sử dụng con kiến vàng để diệt thiên địch gây hại và chủ yếu dùng phân bón hữu cơ để bón cho cây. Là loại đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh, nhưng quýt đường Long Trị chưa được nhiều người tiêu dùng ngoài tỉnh biết đến.

Hiện nay, quýt đường của hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đang được huyện Càng Long hỗ trợ thủ tục để nâng hạng lên 4 sao. Đồng thời, hợp tác xã cũng vừa được Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc và bảo hộ nhãn hiệu.

"Mong rằng khi có thương hiệu, đầu ra của quả quýt đường hợp tác xã sẽ ổn định, tăng thu nhập cho nhà vườn địa phương", ông Phan Thanh Tâm chia sẻ.

Theo ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án SME Trà Vinh, doanh nghiệp và hợp tác xã đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, dự án đang hỗ trợ những đơn vị này xây dựng thương hiệu nhãn hiệu, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, hỗ trợ thay đổi phương thức tiếp cận thị trường, tham gia sàn thương mại điện tử để thích nghi với hoàn cảnh. Đến nay, dự án đã hỗ trợ hơn 360 loại đặc sản và sản phẩm OCOP của 85 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh Trà Vinh lên sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Shopee.vn, Sendo.…

Ông Thái Phước Lộc, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã giải ngân hơn 24,5 tỷ đồng hỗ trợ 15 hợp tác xã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, như trụ sở làm việc, nhà kho, sân phơi, cửa hàng vật tư nông nghiệp, trang thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ 129 hợp tác xã trong tỉnh thu hút 215 lao động có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại các hợp tác xã...

Bên cạnh đó, các hợp tác xã được tiếp cận nhiều nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm… để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 25 hợp tác xã được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng để mở rộng sản xuất; trong này, có 18 hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn hơn 7,7 tỷ đồng.

Nhờ được tiếp cận các chính sách, nhiều hợp tác xã củng cố hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả; nhất là các hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp. Một số hợp tác xã nông nghiệp làm rất tốt việc hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động địa phương; chủ động liên kết với các doanh nghiệp, công ty cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; phát huy tốt vai trò cầu nối trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tăng hiệu quả cho nông dân./.