Cần phát huy hơn nữa nguồn lực đất đai
Sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Chính sách tài chính về đất đai được hoàn thiện đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, những quy định đổi mới về giá đất đã tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế. Chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau hơn 08 năm thi hành, Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như nguồn lực về đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển nhưng chưa thực sự phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra…
Bên cạnh đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai. Thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất còn bất cập; việc định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời…
Đổi mới mạnh mẽ về tài chính đất đai
Để tháo gỡ vấn đề này, Nghị quyết 18 của Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế xác định giá đất và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Trong đó, nổi bật nhất là việc bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.
Đồng thời, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang… Thể chế hóa nội dung này dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung như bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô...
Cụ thể về cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường tại Điều 130 quy định căn cứ nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất, giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm
Về quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất, Điều 131 đã quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cơ quan định giá đất cấp tỉnh, Hội đồng thẩm định giá đất trong việc định giá đất. Quy định này mang tính nguyên tắc về xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong Luật. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan sẽ do Chính phủ quy định để đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính, không làm phát sinh tổ chức. Trường hợp thực sự cần thiết phải thành lập tổ chức, Chính phủ sẽ chỉ đạo làm đề án riêng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Về cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, Điều 124 đã bổ sung các khoản thu tài chính từ đất đai trong đó có tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng; tiền sử dụng đất khi kết hợp với mục đích khác; quy định các khoản thu tài chính từ đất đai là nguồn thu của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Các nội dung cụ thể của các chính sách này sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thuế, Luật Ngân sách nhà nước và các luật có liên quan./.