Nhiều doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi xây dựng chiến lược phát triển cho tương lai đa phần chỉ chuẩn bị về yếu tố thị trường, khách hàng, xây dựng cơ sở vật chất... mà chưa quan tâm đến yếu tố con người một cách tương xứng.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP. HCM, một doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển ổn định phải có sự đóng góp của rất nhiều nguồn lực khác nhau như tài chính, vật chất, công nghệ… Trong đó, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định đến sự thành bại của một tổ chức. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự đầu tư cho hoạt động này.

Trong cơ cấu kinh tế, nguồn nhân lực có mối quan hệ biện chứng với tư liệu sản xuất. Kinh tế ngày càng phát triển thì yêu cầu về chất lượng, trình độ của nguồn nhân lực càng cao. Hơn nữa, con người không đơn thuần chỉ là một yếu tố của quá trình sản xuất, kinh doanh, mà là một nguồn tài sản quý báu của tổ chức, doanh nghiệp.

ld-1666954443.jpg
Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế lao động con người trong nền kinh tế, trong nhiều lĩnh vực. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Các doanh nghiệp chuyển từ tình trạng tiết kiệm chi phí lao động để giảm giá thành sang đầu tư nguồn nhân lực số để có lợi thế cạnh tranh hơn, lợi nhuận cao hơn và hiệu quả hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ sở, điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao. Để chuyển đổi thành công nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế số, nhất thiết phải có nguồn nhân lực số; nguồn nhân lực số ngày càng phát triển, chiếm vai trò chủ đạo trong tổng số lực lượng lao động xã hội.

Ngày nay, chuyển đổi số là tất yếu với sự phát triển của doanh nghiệp. Xu hướng ứng dụng công nghệ số ngày càng lan tỏa trong các quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Đối với bộ phận nhân sự, cần có những bước tiếp cận và giải quyết công việc lấy nhân viên làm trọng tâm, từ đó tối ưu hóa kết quả kinh doanh và những cách thức làm việc mới.

Theo thống kê, tính đến tháng 7/2022, Việt Nam có quy mô dân số hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động năm 2021 ước tính là 50,5 triệu người. Lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên năm 2021 ước tính là 13,1 triệu người, chiếm 26,1%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi của Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Số lượng nhân lực đông, dồi dào, chất lượng nguồn nhân lực số qua đào tạo của Việt Nam cũng có thể được xem là thế mạnh. Trong số hơn 13 triệu nhân lực có trình độ từ đào tạo nghề sơ cấp trở lên, nhân lực có trình độ từ đại học trở lên có khoảng hơn 5 triệu người, chiếm 44%. Đây là yếu tố quan trọng để nguồn nhân lực Việt Nam chuyển đổi và thích ứng với công nghệ số. Tuy nhiên, có những thách thức đặt ra đối với các quốc gia đang phát triển khi tiếp cận với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó chính là thiếu hụt nguồn nhân lực số có tay nghề cao.

Kiến trúc sư Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. HCM cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy và xây dựng hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập với nền kinh tế thế giới cần có sự khác biệt dựa vào bản sắc văn hóa của dân tộc.

Theo đó, các doanh nghiệp cần thiết lập bộ máy nhân sự thích nghi với công nghệ cao, đặc biệt là cấp quản lý. Cần chú trọng việc tuyển chọn nhân tài. Bên cạnh năng lực chuyên môn, nhân tài còn phải có tầm nhìn rộng mở và sẵn sàng hội nhập, giao tiếp đa phương thức.

Doanh nghiệp cần nâng cao công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số nội bộ. Vấn đề này hiện đang được rất nhiều doanh nghiệp chú trọng và xem là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư chi phí và thời gian cho công tác này thông qua việc cử nhân sự đi học trong, ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp mời chuyên gia tư vấn hoặc cố vấn độc lập về huấn luyện cho cán bộ chủ chốt để lĩnh hội trực tiếp kiến thức và cách làm thực tiễn để áp dụng vào hoạt động của tổ chức. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xác định các vị trí việc làm then chốt, người dự phòng và lựa chọn những người kế nhiệm phù hợp để có chương trình hành động cụ thể, xây dựng đội ngũ kế thừa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cải tiến cách “giữ người”. Tuyển chọn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số trong doanh nghiệp không tránh khỏi rủi ro. Vì thế, song song với công tác này, doanh nghiệp cần cải thiện chính sách nhân sự hợp lý để giữ chân người lao động.

Các doanh nghiệp cần áp dụng những giá trị của công nghệ và ứng dụng hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần tự động hóa công tác quản trị nguồn nhân lực số. Phần mềm phát triển nguồn nhân lực số mang đến những giải pháp quản lý toàn diện cho doanh nghiệp, giúp quy trình quản lý nhân sự của doanh nghiệp trở nên dễ dàng và mang lại hiệu quả cao, tiết giảm chi phí và thời gian thực thi nhiệm vụ; đặc biệt là giúp các nhà lãnh đạo nhanh chóng có được những quyết định đúng đắn về nhân sự.

Hoàng Hà