Tăng cường hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế được xem là giải pháp tiên quyết và cấp bách trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
1-1650009600.jpg

“Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp EDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia “, (Nghị quyết 115/NQ-CP).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế được xem là giải pháp tiên quyết và cấp bách trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Cụ thể, Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc đã tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn, hỗ trợ trực tuyến về nâng cao trình độ nhân lực, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử và ô tô, hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như chất bán dẫn, bản mạch in, màn hình các loại, camera.... Các hoạt động của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc bước đầu nhận được sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại cuộc họp Tiểu ban Công nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hỗn hợp Năng lượng, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc đã được diễn ra theo hình thức trực tuyến. Hai bên đã thống nhất 09 nội dung hợp tác, bao gồm Hợp tác lĩnh vực ure, Hỗ trợ chuyên gia để xây dựng và ban hành Luật Phát triển Công nghiệp, Hợp tác lĩnh vực dệt may, Các chương trình hợp tác về công nghệ công nghiệp gốc, Hỗ trợ thành lập Trung tâm VITASK tại Việt Nam, Chương trình học thuật/công nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam nhằm bồi dưỡng nhân tài CNTT, Hợp tác lĩnh vực ô tô, Hợp tác về Tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng và Hợp tác ngành công nghiệp Hóa chất.

Hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Trên cơ sở cuộc họp tiền khởi Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8, nhận thấy việc hợp tác cần có nhiều hoạt động cụ thể hơn, Bộ Công Thương đã đề xuất thành lập thêm tổ công tác 9 (WT9) nhằm hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Mục tiêu của WT9 nhằm tích cực phối hợp xây dựng rõ ràng, đầy đủ hơn các nội dung và kế hoạch hành động cho giai đoạn sau. Hai bên tiếp tục thảo luận về vấn đề nâng cao hiệu quả của các cơ chế và chính sách; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp tại Việt Nam về các cơ chế hỗ trợ; đảm bảo việc tăng tỷ lệ các nhà cung cấp nội địa cho doanh nghiệp Nhật Bản; duy trì chuỗi cung ứng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tổ công tác WT9 cũng sẽ tập trung vào các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực lãnh đạo hoạt động tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm mở rộng giao thương với các doanh nghiệp Nhật Bản, hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển thêm về chiều sâu trong dài hạn.

Các thành viên phía Việt Nam đã làm việc, trao đổi với Tổ công tác phía Nhật Bản và thống nhất các nội dụng hợp tác sau:

- Đánh giá và phổ biến các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ;

- Thu thập và phân tích các doanh nghiệp thành công trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.  

Hợp tác về cơ khí, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với đại diện phía Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới. Hai bên thống nhất có các hợp tác hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam, như: Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” (SME Promotion & Industrial Development project) do JICA thực hiện; Chương trình “Đào tạo cho các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam” do tổ chức hợp tác kỹ thuật nước ngoài và đối tác bền vững (The Association for Overseas Technical Cooperation and Sustainable Partnerships -AOTS) thực hiện; và cử một số chuyên gia hỗ trợ các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp thuộc Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trong công tác vận hành và nâng cao nguồn nhân lực.

Hợp tác trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương đã tham gia Cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì về việc đánh giá lại sự phù hợp của 06 ngành ưu tiên phát triển (Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô) và điều chỉnh nội dung Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Bộ Công Thương đã đề xuất Chiến lược cần tiếp tục thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm Điện tử, Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thông qua việc hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi tín dụng, ... và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cụ thể cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.

Hợp tác phát triển nhà cung cấp: Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) triển khai Chương trình thí điểm Phát triển nhà cung cấp (SDP) dưới sự tài trợ bởi Quỹ Thịnh Vượng Anh Quốc và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ. Chương trình được xây dựng nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chương trình có sự tham gia của 8 tập đoàn đa quốc gia (Ford, Canon, Toyota, Panasonic, Denso, Bosch, GE và Schneider Electric) và 45 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo thông qua hai giai đoạn. Kết quả cho thấy một số doanh nghiệp đã từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với Samsung đào tạo nhân lực khuôn mẫu,  đến nay đã triển khai được 02 khóa đào tạo tại Việt Nam (01 khóa đào tạo tại Hà Nội, 01 khóa đào tạo tại Tp. Hồ Chí Minh) với tổng số học viên là 52 học viên. Với Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp, từ năm 2015 - 2021, Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam và UBND các tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương đã phối hợp triển khai chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh. nâng số doanh nghiệp Việt Nam được tư vấn, cải tiến lên 322 doanh nghiệp. 

Những chương trình hợp tác nói trên đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp trong hơn 2 năm gần đây gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% , cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp trong quý I năm 2022 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng tăng trưởng dương chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2022 tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,8%).