Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Delta cho biết, với gần 200 phương tiện vận tải mỗi tháng công ty tiêu thụ trung bình khoảng 4 tỷ đồng tiền dầu. Để chủ động nguồn cung, công ty đã ký kết tiêu thụ xăng dầu với một số DN xăng dầu lớn. Tuy nhiên, “tình hình hiện rất căng thẳng”, Nói “căng thẳng” bởi lẽ các đối tác, kể cả đầu mối Petro hiện không có đủ nguồn cung xăng, dầu cho doanh nghiệp. Đơn mới nhất công ty đặt cách đây một tuần song đến nay vẫn chưa có hàng. Doanh nghiệp đã phải tự xoay xở bằng cách đánh xe đi các tỉnh lân cận khu vực Hải Phòng như sang Thái Bình, Hải Dương… để mua dầu.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu tuyến Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An đi cảng Hải Phòng cũng chung cảnh ngộ, đơn vị chưa biết làm thế nào với 20 xe container đang có nguy cơ ngừng hoạt động.
Được biết, trước đây doanh nghiệp này thường mua téc dầu tích trữ trong kho nội bộ, vừa bảo đảm nguồn cung, giá lại rẻ hơn so với mua lẻ. Hiện nay, mua theo téc lại phải trả thêm 150 - 2.500 đồng/lít so với giá Nhà nước công bố, tức là mua sỉ đắt hơn mua lẻ và nhiều khi cũng không có sẵn để mua.
Trước tình hình trên, doanh nghiệp đã chuyển sang mua lẻ tại các cây xăng dầu, song hiện bị khống chế số lượng tối đa 100 lít dầu/xe/lần. Với số dầu này, xe container chỉ có thể chạy chuyến ngắn Hà Nội - Hải Phòng. Các tuyến xa như Nghệ An - Hải Phòng cần khoảng 300 lít dầu, doanh nghiệp đành phó mặc cho tài xế tự mua dầu trên đường đi.
Theo các tài xế, nhiều tuyến phải đi tới 8 điểm bán mới mua được dầu, nhưng phải trả thêm 700 đồng/lít so với giá niêm yết. Bị đội giá nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận còn hơn là dừng chạy xe, không thực hiện đúng hợp đồng, mất uy tín với khách hàng. Những ngày tới, với tình hình khan hiếm dầu như hiện nay, khả năng xe phải dừng hoạt động là rất cao, các tài xế lo lắng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho rằng, trước tình trạng khan hiếm xăng, dầu hiện nay, nhiều đại lý cung ứng đã chọn ưu tiên cho doanh nghiệp lớn, trả tiền trước nên DN nhỏ gặp khó vì vốn ít.
Nguồn cung dầu khan hiếm như "gọng kìm" siết chặt doanh nghiệp. Hiện, nhiều DN chỉ dám xác định mục tiêu có thể duy trì hoạt động bình thường thay vì tính đến chuyện có lợi nhuận. Nếu không giải quyết kịp thời, nguồn cung xăng dầu sẽ tiếp tục bất ổn dẫn đến nhiều hệ lụy bao gồm cả mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh năng lượng.
Hiện nay, cả nước có 36 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối, khoảng 500 doanh nghiệp phân phối và 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhưng thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu. Theo đại diện các DN, các đầu mối, đại lý xăng dầu dù nhiều nhưng không có đủ lượng để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp thì cơ quan quản lý cũng cần phải xem lại.